Bảo vật chứa vỏn vẹn 19 chữ: Lật giở bí mật từ Lý Thường Kiệt đến cuối thời Trần

Thứ bảy, ngày 09/04/2022 10:31 AM (GMT+7)
Trong số hiện vật ấn chương còn được lưu giữ và có thể xác định niên đại, quả ấn đồng của Sảnh Môn Hạ nhà Trần được coi là quả ấn đồng cổ nhất có niên đại rõ ràng ở Việt Nam.
Bình luận 0

Bảo vật quốc gia

Theo hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ấn Sảnh Môn Hạ được phát hiện vào năm 1962 tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay chiếc ấn đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bảo vật chứa vỏn vẹn 19 chữ: Lật giở bí mật từ Lý Thường Kiệt đến cuối thời Trần - Ảnh 1.

Mặt trên ấn (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Ấn hình vuông, tạo ba cấp chồng lên nhau. Núm ấn tạo hình chữ nhật, chỏm cong, giống hình bia đá. Hai bên cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán.

Bên phải có 4 chữ, phiên âm: "Môn Hạ Sảnh ấn" (ấn của sảnh Môn hạ). Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm: "Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo" (chế tạo vào ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời vua Trần Duệ Tông, 1377). Mặt ấn hình vuông, kích thước 7,3cm x 7,3cm, khắc 4 chữ Hán theo kiểu triện "Môn Hạ Sảnh ấn".

Bảo vật chứa vỏn vẹn 19 chữ: Lật giở bí mật từ Lý Thường Kiệt đến cuối thời Trần - Ảnh 2.

Mặt dưới ấn (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Bảo vật chứa vỏn vẹn 19 chữ: Lật giở bí mật từ Lý Thường Kiệt đến cuối thời Trần - Ảnh 3.

Mặt nghiêng của ấn (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Theo thông tin giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, "Môn Hạ Sảnh ấn" là chiếc ấn thời Trần duy nhất hiện biết. Ấn có nội dung rõ ràng, niên đại cụ thể, liên quan đến lịch sử hành chính triều Trần. Đây là ba cơ quan cao nhất của triều đình triều Trần.

Sảnh Môn Hạ là cơ quan nằm trong bộ ba "Tam sảnh" của chính quyền trung ương, gồm 3 sảnh: Thượng Thư, Trung Thư và Môn Hạ - là cơ quan thân cận của nhà Vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan và các công việc lễ nghi trong cung. Chức quan này do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm. "Môn Hạ Sảnh ấn" được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình từ đời Trần Phế Đế về sau.

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, "Môn Hạ Sảnh ấn" đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

"Môn Hạ Sảnh"

Bảo vật chứa vỏn vẹn 19 chữ: Lật giở bí mật từ Lý Thường Kiệt đến cuối thời Trần - Ảnh 4.

Ghi chép của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư về phẩm hàm của Lý Thường Kiệt, bao gồm "Đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự" (Viện Hán Nôm)

Như đã nêu ở trên, Sảnh Môn Hạ là một trong "Tam sảnh" gồm Thượng Thư, Trung Thư, Môn Hạ - 3 cơ quan đứng đầu triều đình. Đây là cách gọi và tổ chức có nguồn gốc từ nhà Tuỳ ở Trung Quốc.

Trong triều đình hai nhà Tuỳ và Đường ở Trung Quốc, sảnh Môn Hạ có quyền thẩm tra nội dung chiếu chỉ được ban hành. Đến nhà Tống, hai sảnh Trung Thư và Môn Hạ thường được gộp chung vào cùng một địa điểm nên gọi là "Đồng Trung Thư Môn Hạ".

Tại Việt Nam, các triều Lý, Trần và đầu nhà Lê Sơ có sự tham khảo chế độ của các nhà Đường và Tống nên cũng xuất hiện sảnh Môn Hạ. Danh xưng Môn Hạ xuất hiện sớm nhất trong sách sử về nhà Lý.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận vào thời Lý, Lý Thường Kiệt được phong làm Phụ Quốc Thái Phó, Đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự, Khai Quốc Công…

Đầu thời Trần, theo quy chế cũ của nhà Lý, hàm Hành Khiển lĩnh thêm danh hiệu Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự. Danh xưng của sảnh Môn Hạ xuất hiện lần cuối trong sách sử Việt Nam là ghi chép của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư về thời vua Lê Thánh Tông.

Lịch sử lưu lạc

Bảo vật chứa vỏn vẹn 19 chữ: Lật giở bí mật từ Lý Thường Kiệt đến cuối thời Trần - Ảnh 5.

Ghi chép của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư về năm Long Khánh thứ 5 (Viện Hán Nôm)

Ấn Sảnh Môn Hạ được phát hiện tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh năm 1962. Địa điểm phát hiện này đã để lại một câu hỏi lớn: Sảnh Môn Hạ là cơ quan quyền lực bên cạnh Hoàng đế, vậy tại sao chiếc ấn quan trọng này lại được phát hiện ở Hà Tĩnh - cách trung tâm Hà Nội ngày nay khoảng 400 km - mà không phải ở Hoàng thành Thăng Long hay những "bồi đô" của nhà Trần như Nam Định, Thái Bình hay Quảng Ninh?

Bản thân chiếc ấn với chỉ vỏn vẹn 19 chữ Hán không cung cấp quá nhiều thông tin về mối liên hệ giữa hiện vật và nơi phát hiện.

Thế nhưng, nếu lật giở lại những trang sử thời Trần, đồng thời đối chiếu với dòng lạc khoản "Long Khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo", bối cảnh đương thời sẽ phần nào được làm sáng tỏ.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại: "Đinh Tỵ, Long Khánh năm thứ 5. Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, đóng ở động Mang... vua [Trần Duệ Tông] mặc áo đen, cưỡi ngựa Nê Thông, sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân... Giờ Tỵ, quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận rồi băng... Ngày hôm ấy ở kinh sư, ban ngày mà trời tối om, chợ búa phải đốt đuốc để mua bán..."

Có thể thấy rằng, năm Long Khánh thứ 5 đối với nhà Trần không phải một quãng thời gian yên ổn. Vua Trần Duệ Tông thân chinh dẫn quân đi đánh Chiêm Thành nhưng bị vây và tử trận. Mặc dù được khắc niên hiệu Long Khánh của vua Trần Duệ Tông, thực tế đến tháng 5 của năm này vua kế vị là Trần Phế Đế đã lên ngôi.

Trong 13 năm từ thời điểm này, nhiều cuộc tấn công của Chiêm Thành nhằm vào nhà Trần đã diễn ra và chỉ kết thúc vào năm 1390 với trận Hải Triều. Đồng thời dù chiến thắng trong trận Hải Triều nhưng nhà Trần cũng không còn tồn tại lâu mà bị nhà Hồ chính thức thay thế vào năm 1400.


Đăng Khoa (Theo Doanh Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem