Ảnh minh họa.
Kháng chiến bùng nổ
Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt hạ lệnh cho các địa phương ráo riết chuẩn bị bố phòng. Các tù trưởng dân tộc ít người ở gần biên giới Việt - Tống đã cho quân mai phục những vị trí chiến lược quan trọng.
Lý Thườnng Kiệt bố trí một lực lượng thủy binh đóng tại Đông Kênh do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy, để chặn thủy binh địch. Bộ binh được bố tri suốt dọc theo chiến tuyến sông Như Nguyệt. Đội quân chủ lực này do chính Lý Thường Kiệt chỉ huy và đồn trú tại khu vực Yên Phụ (Yên Phong - Bắc Ninh), cách bến Như Nguyệt vài km.
Phòng tuyến chủ yếu được xây dựng trên bờ Nam sông Như Nguyệt. Đây là con sông chắn ngang tất cả các ngả đường bộ từ Quảng Tây (Trung Quốc) vào Thăng Long. Sông Như Nguyệt như một chiến hào tự nhiên rất khó có thể vượt qua. Phòng tuyến được đắp bằng đất cao, vững chắc, có nhiều lớp giậu tre dày dặc, dọc theo khúc sông từ Đa Phúc đến Phả Lại, dài khoảng 100km.
Thất bại nặng nề và bất ngờ ở Ung Châu làm cho nhà Tống vô cùng tức tối. Chúng liền tiến hành cuộc xâm lược Đại Việt.
Cuối năm 1076, một đạo quân lớn gồm 10 vạn bộ binh tinh nhuệ, một vạn ngựa chiến cùng 20 vạn dân phu do các tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy, chuẩn bị tiến và nước ta. Một đạo quân khác, do Hòa Mâu dẫn đầu, theo đường biển vào tiếp ứng.
Tháng 1.1077, khoảng 30 vạn quân Tống vượt cửa ải Nam Quan qua Lạng Sơn tiến vào nước ta. Quân đội nhà Lý đánh những trận nhỏ, nhằm cản bước tiến của chúng. Khi tiến đến bờ Bắc sông Như Nguyệt, quân Tống lúng túng vì trước mặt là sông và bên kia là cả một chiến lũy rất kiên cố.
Bị phòng tuyến Như Nguyệt chặn lại, Quách Quỳ phải đóng quân bên bờ Bắc sông Như Nguyệt, chờ thủy quân đến. Nhưng lúc đó, thủy quân của chúng bị quân Lý Kế Nguyên chặn đánh liên tiếp 10 trận tại vùng ven biển nên không thể tiến sâu vào để hộ trợ cho đồng bọn.
Cuộc chiến đấu trên phòng tuyến Như Nguyệt
Chờ mãi không thấy thủy quân đến, quân Tống nhiều lần tìm cách tấn công quân ta. Chúng bắc cầu phao, đóng bè lớn ào ạt tiến qua sông đánh vào phòng tuyến của ta. Quân nhà Lý đã kịp thời phản công mãnh liệt, mưu trí, đẩy lùi chúng về phía bờ Bắc.
Thất vọng, Quách Quỳ ra lệnh: "Ai bàn đánh sẽ bị chém" và chuyển sang củng cố, phòng ngự. Quân sĩ ngày mộtt chán nản, mệt mỏ, chết dần chết mòn.
Tương truyền, để động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân sĩ đêm đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào một ngôi đền trên bờ sông, ngâm vang bài thơ thần bất hủ :
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".
Tạm dịch là :
"Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời".
(Dẫn theo Lịch sử Việt Nam - tập I, NXB Khoa học xã hội, 1971)
Cuối mùa xuân 1077, Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công lớn vào trận tuyến của địch. Đang đêm, quân ta lặng lẽ vượt qua sông Như Nguyệt, bất ngờ đánh thẳng vào các doanh trại giặc. Quân Tống thua to, "mười phần chết đến năm, sáu" và chúng đa lâm vào tình thế hết sức khó khăn, tuyệt vọng.
Giữa lúc ấy, Lý Thường Kiệt chủ động kết thúc chiến tranh bằng biện pháp mềm dẻo, thương lượng, đề nghị "giảng hòa". Quách Quỳ chấp nhận ngay. Quân Tống vội vã rút về nước.
Lược đồ trận chiến tại phòng tuyến Như Nguyệt
Cuộc chiến ở Như Nguyệt là trận quyết định số phận của quân Tống xâm lược. Đây cũng là một trong những trận đánh tuyệt vời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Người chỉ huy trận đánh - Lý Thường Kiệt thực sự là một tướng tài. Tên tuổi ông mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta.
Đến đây, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi vẻ vang. Quân Tống buộc phải từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt. Nền độc lập, tự chủ của Đại Việt được bảo vệ.
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.