Sự bất lực của lực lượng chức năng được chứng minh thêm bằng vụ lâm tặc nhét đất vào mồm kiểm lâm tại Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (huyện Đăk Song, Đăk Nông). Những người có hành vi vi phạm bị dẫn dắt về trụ sở công ty đã bị một số người trang bị vũ khí tấn công giải vây.
Một trong những nhân viên bảo vệ rừng trong khi tự vệ đã gây thương tích cho một lâm tặc. Không phải tự dưng mà nhân viên kiểm lâm phản ứng mạnh, mà vì lâm tặc đã trói người đánh đập dã man, nhét đất vào mồm và bắt mọi người phải quỳ lạy. Hành vi này không chỉ là chống đối người thi hành công vụ, mà còn là xúc phạm, sỉ nhục công dân.
Pháp luật hiện diện là để phục vụ nhân dân, bảo vệ lợi ích cộng đồng, nghiêm trị tội phạm, thiết lập công bằng và dân chủ. Nhưng lạ thay, người đứng ra để bảo vệ những giá trị đó lại bị bắt giữ, pháp luật có phải sinh ra để làm việc đó hay không?
Nếu như có sự công bằng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, thì những hành vi vi phạm của bất cứ ai, dù là nhân viên nhà nước, hay lâm tặc, cũng phải làm rõ và khởi tố hình sự. Nếu như chỉ xử lý người phản ứng lại hành vi sai phạm, cho dù là người dân hay nhân viên nhà nước, thì sẽ không còn ai dám đứng ra chống lại cái xấu, cái ác.
Rừng Việt Nam đang bị mất từng ngày, từng giờ, một trong những nguyên nhân là người giữ rừng chưa được bảo vệ và thụ hưởng những lợi ích đáng có. Biết bao nhiêu chiếc khăn tang thắt lên đầu các góa phụ và cô nhi của những kiểm lâm, nhưng có được bao nhiêu lâm tặc bị đưa ra trước vành móng ngựa?
Có một điều cũng cần nói thêm rằng, để giữ được rừng thì phải trang bị sức mạnh cho người giữ rừng, đồng thời phải có được chế độ đãi ngộ cho họ dưỡng liêm. Cán bộ, kiểm lâm, nhân viên giữ rừng luôn đối mặt với hiểm nguy, cám dỗ. Cái chết cũng kề cận và mưu ma chước quỷ cũng kề bên. Nếu như không có sự chống đỡ bằng tinh thần, vật chất, bằng sức mạnh của chính quyền thì sức người không thể giữ nổi rừng.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.