Bảo vệ rừng Khe Bu: Bất chấp "lâm tặc" trả đũa

Vũ Thượng Chủ nhật, ngày 18/04/2021 09:20 AM (GMT+7)
Không quản thời tiết nắng hay mưa, những cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) mỗi ngày phải vượt đèo, lội suối gần 20 km đường rừng để tuần tra, ngăn chặn kịp thời nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật…nhằm bảo vệ tài nguyên rừng.
Bình luận 0

Không sợ "lâm tặc" trả đũa

Theo chân những cán bộ bảo vệ rừng tại Khe Bu, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) trong một chuyến tuần tra rừng. Chúng tôi mới thấm thía được sự vất vả, khó nhọc, hiểm nguy, với những bữa cơm rừng ăn vội, sống trong bóng tối, trắng đêm phục kích lâm tặc.

Clip: Cuộc sống khó khăn của những cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu

Để chuẩn bị đồ đi tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép…Ngay từ sáng sớm, những cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu đã chuẩn bị cơm nắm, có hôm chỉ mang lương khô, mì tôm, vài ba chai nước lọc…đem theo ăn tạm trong rừng.

Những người thầm lặng bảo vệ rừng Khe Bu - Ảnh 2.

Những chuyến tuần tra của cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu luôn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các anh vẫn kiên trì, hướng về phía Trước. Ảnh: Vũ Thượng

Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Nhật Duyệt-Trưởng trạm bảo vệ rừng Khe Bu thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng nói: "Trạm bảo vệ rừng Khe Bu có 3 người, được giao tuần tra, kiểm soát 2.041 ha rừng. Công việc của chúng tôi là hằng ngày đi tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đất rừng…Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có rừng giáp ranh để kịp thời xử lý các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép".

Những người thầm lặng bảo vệ rừng Khe Bu - Ảnh 3.

Ông Lê Nhật Duyệt-Trạm trưởng bảo vệ rừng Khe Bu kể với phóng viên về những lần bị lâm "lâm tặc" trả đữa. Ảnh: Vũ Thượng

"Có những lần tuần tra, anh em chúng tôi nghe có tiếng cưa xăng đang đốn hạ cây rừng. Bằng biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi tiến sát để kiểm tra, nhưng nhóm "lâm tặc" rất manh động, lại có vũ khí. Anh em chúng tôi thì lực lượng mỏng, lúc đó chỉ còn cách "đánh tỉa" mới bắt được bọn "lâm tặc". Có nhiều đối tượng hung hăng, bất chấp chúng hành hung, trả đũa nhưng chúng tôi đâu có sợ. Bảo vệ rừng là nhiệm vụ của chúng tôi...", ông Lê Nhật Duyệt kể.

 Mỗi ngày đi bộ gần 20 km đường rừng

Với những cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu, không chỉ đối mặt với hiểm nguy rình rập bị trả đũa, mà cuộc sống sinh hoạt cũng hết sức vất vả. Ở nơi "rừng thiêng nước độc", không điện sáng, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại…

Những người thầm lặng bảo vệ rừng Khe Bu - Ảnh 4.

Sau nhiều tiếng vượt đèo, lội suối những cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu nghỉ ngơi, ăn tạm lương khô và tiếp tục tuần tra, kiểm soát để bảo vệ tài nguyên rừng. Ảnh: Vũ Thượng

Cuộc sống rừng núi khó khăn, để có thực phẩm, những cán bộ bảo vệ rừng tại đây phải lặn lội hàng chục km đường rừng ra thị trấn để mua, dự trữ đồ ăn cho cả tuần. Nhiều hôm thời tiết bất lợi, những cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu phải ăn cơm chan với nước mắm, muối trắng, rau rừng…

Những người thầm lặng bảo vệ rừng Khe Bu - Ảnh 5.

Trạm bảo vệ rừng Khe Bu không có điện sáng. Ảnh: Vũ Thượng

Công việc của những người bảo vệ rừng Khe Bù là tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Hằng ngày, những người bảo vệ rừng nơi đây thường đi bộ gần 20 km đường rừng, có nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu, leo núi rồi xuống dốc rất nguy hiểm.

Những người thầm lặng bảo vệ rừng Khe Bu - Ảnh 6.

Món cá, tôm kho chính tay cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu bắt ngoài suối. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài việc tuần tra, bảo vệ rừng, những cán bộ bảo vệ rừng Khe Bu còn tích cực trồng rừng, phát triển rừng. Họ vẫn ngày đêm duy trì công việc, nhiệm vụ của mình để màu xanh của rừng mãi tươi tốt.

"Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng hiện được giao 8.250,3 ha rừng (bao gồm đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất). Với 10 tiểu khu, chia đều 4 trạm bảo vệ rừng, điều kiện tại các trạm hết sức thiếu thốn, trạm xa nhất cách trung tâm gần 30 km nằm sâu trong rừng, ở đó không có điện, không có nước sinh hoạt, không sóng điện thoại…", ông Hàn Văn Huyền-Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng trao đổi với phóng viên.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem