Nổi tiếng một thời
Tồn tại đã hơn 60 năm trên mảnh đất xã Hồ Tùng Mậu, làng nghề làm nón Mão Cầu đã từng là một trong những làng nghề nón đặc trưng nhất của Kinh Bắc. Không phân biệt lứa tuổi, từ các bà, các chị, hay cô cậu học sinh thường tụm năm tụm bảy từ trong nhà, ngoài cổng hay thậm chí ở đình làng để làm nón. Tay làm, miệng nói, câu chuyện của họ luôn rôm rả pha lẫn cùng tiếng xoèn xoẹt của kéo cắt lá... Sự tỉ mẩn, cẩn thận trong từng đường khâu là bí quyết khiến nón lá Mão Cầu luôn bền, đẹp, chắc.
|
Khó đầu ra, thợ khâu nón nhanh cũng chỉ kiếm được 20.000 - 30.000 đồng/ngày. |
Chúng tôi ghé thăm làng nón Mão Cầu vào một chiều đầu hè. Khác hẳn so với nhiều năm trước, làng nghề làm nón truyền thống Mão Cầu bây giờ hắt hiu buồn. Đi từ đầu cho đến cuối làng chỉ thấy lèo tèo vài thợ chằm, khâu nón.
Trong căn nhà nhỏ, bà Phạm Thị Thắm, năm nay đã ngoài 60 tuổi, mặc dù mắt cũng mờ dần nhưng vẫn miệt mài chỉ dạy từng đường kim, mũi chỉ cho con cháu trong làng theo học. Bà Thắm tâm sự: “Các nghệ nhân già như chúng tôi muốn gìn giữ nghề nón nên đã tổ chức mở lớp dạy miễn phí cho các thế hệ trẻ. Trước đây, trẻ con trong làng hầu như cứ lên 7 là đã biết khâu nón, giờ mà không dạy nữa là coi như mất nghề”.
Trước kia, khâu nón là nghề phụ nhưng cho thu nhập cũng khá. Thợ giỏi khâu được 3 cái/ngày, giá 25.000 – 35.000 đồng/cái, riêng nón khâu hoa văn tỉ mỉ thì giá bán hiện nay là 80.000 đồng/cái. Trừ chi phí nguyên vật liệu (lá, nứa, cước và một số phụ kiện) mất từ 5.000 – 7.000 đồng/cái, người làm nón lãi khoảng 20.000 đồng/cái, tức là thu được 60.000 đồng/ngày.
“Nhưng giờ đây, sản phẩm làm ra khó bán, thợ giỏi có khâu nhanh cũng khó bán hàng nên thu nhập chỉ đạt khoảng 20.000-30.000 đồng/ngày, quá thấp so với mức chi tiêu nên người dân bỏ nghề dần”- chị Phạm Thị Hằng (thôn Niêu Xá) một người làm nón cho biết.
Canh cánh nỗi lo mất nghề
Bà Nguyễn Thị Ngạn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Tùng Mậu cho biết: “Toàn xã có trên 1.900 hộ, trong đó 1.600 hộ sản xuất nông nghiệp, nông dân vẫn khâu nón để tăng thêm thu nhập gia đình. Nón thường bán chạy nhất vào những tháng hè. Khi hàng bán chạy, thương lái đến đặt hàng và thu mua tại chỗ, rồi chuyển vào bán vào tận miền Nam. Giờ không ai mua bán nón nữa, nghề mai một dần”.
“Năm 2011, thực hiện Đề án 1956, Hội Nông dân huyện Ân Thi cũng tổ chức một lớp dạy nghề nón nhưng học viên cũng chỉ học cho có chứ không thiết tha với nghề”.
Bà Nguyễn Thị Ngạn
Chị Phạm Thị Hằng bày tỏ: “Mặc dù là nghề phụ nhưng làm nón mang lại tiền mặt để chi tiêu các khoản học hành, chữa bệnh của hầu hết các gia đình. Với thực trạng bấp bênh như hiện nay chúng tôi đang đứng trước nỗi lo thất nghiệp và nguy cơ phải chuyển nghề”.
Cùng suy nghĩ với chị Hằng, chị Nguyễn Thị Dẹp ở cùng thôn cho hay: “Gia đình tôi gồm 5 khẩu, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, trước thì mẹ con tranh thủ khâu nón, giờ bán không được nên tôi chuyển sang làm phụ hồ, được 2–3 triệu đồng/tháng đủ trang trải cho các cháu ăn học. Tuy nhiên, làm nghề này lại phải đi xa, không chăm sóc gia đình được”.
Như vậy, với mong muốn có nghề để “ly nông bất ly hương”, những người làm nón Mão Cầu hiện đang rất mong muốn được hỗ trợ về thị trường, phát triển nghề làm nón, mũ nói chung. Việc này rất cần một quy hoạch chung của địa phương, hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành công thương chứ không chỉ là sự “tự bơi” của người dân làng nón đang sống dở chết dở với nghề.
Đình Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.