Bất bình đẳng giới: Chỉ có 17% lao động nữ nông thôn được đào tạo
Bất bình đẳng giới: Chỉ có 17% lao động nữ nông thôn được đào tạo
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 16/08/2022 16:09 PM (GMT+7)
Phần lớn lao động nữ yếu thế làm những công việc không yêu cầu trình độ, có vị thế thấp, dễ tổn thương. Chỉ có 17% lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo... đây là một trong những vấn đề được đưa ra khi bàn về Luật Bình đẳng giới.
Sáng nay (16/8) Bộ LĐTBXH, Đại sứ Quán Australia đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật bình đẳng giới.
Ông Lê Khánh Lương - Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho biết, sau 15 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới đem lại những tác động quan trọng. Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ ngành tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới. Qua tổng kết, Bộ nhận thấy có một số các điểm trong luật chưa phù hợp cần được điều chỉnh. ví dụ như chỉ hướng tới bình đẳng giới nữ mà chưa đề cập tới bình đẳng giới nam với giới nữ, vì thế chưa tạo được sự công bằng trong bình đẳng.
"Luật cũng mới nhận diện 'phân biệt giới' qua các hành vi trực tiếp, chưa đề cập tới "phân biệt giới" trong các hành vi gián tiếp; các hành vi phân biệt mới được nhận diện ở 8 lĩnh vực mà chưa có sự toàn diện ở các lĩnh vực còn lại... thiếu quy định bình đẳng giới trong lồng ghép chương trình, khung luật pháp", ông Lương nêu.
Cũng theo ông Lương, các hành vi phân biệt chưa được quy định trong luật. Nhiều nội dung quy định chưa rõ nên không đi vào thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thực hiện bình đẳng giới.
"Bởi vậy, Hội thảo là cơ hội để chỉ ra các tồn tại vướng mắc, đề ra các nguyên nhân, giải pháp xử lý trong thời gian tới", ông Lương nói.
Ông Nguyễn Chí dũng - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Luật Pháp - Thành viên nhóm chuyên gia cho biết, sau 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới đạt được nhiều kết quả. Việt Nam là 1 trong 3 số quốc gia có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất toàn cầu. Việt Nam xếp thứ 10 trong các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương về tiến bộ khoảng cách giới.
Đầu tiên vấn đề lồng ghép giới có nhiều điều cần phải quan tâm. Hiện nay chất lượng, quy trình lồng ghép giới còn thấp. Có những văn bản pháp luật được ban hành nhưng thực tế khi thực hiện thì đối mặt với rất nhiều vấn đề bất bình đẳng giới, nhạy cảm giới. Ví dụ chế độ thực hiện thai sản, Luật BHXH...
Lồng ghép giới mới chỉ được tính tới trong chương trình quốc gia, chưa tính tới việc lồng ghép trong các chương trình vừa và nhỏ ở trung ương và tại địa phương. "Phải tính tới sự lồng ghép giới ở nhiều chương trình khác, chứ không phải trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các kế hoạch cả về ngân sách, cũng cần được tính tới vấn đề nhạy cảm giới", ông Dũng nói.
"Chúng tôi không hiểu vì sao nạn nhân phân biệt, đối xử bất bình đẳng giới lại im lặng. Liệu có phải các giải pháp hỗ trợ, xử lý chưa thỏa đáng?".
Đại diện nhóm chuyên gia chia sẻ.
Ông Lương cũng cho biết việc quy định thẩm quyền ban hành và tổ chức thực thi các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới do Chính phủ, Quốc hội thực thi. Nhưng việc quy định thẩm quyền cũng đòi hỏi phải tính tới cả yếu tố không gian, thời gian, điều kiện kinh tế - xã hội.
Lao động nữ gặp bất lợi trong tìm việc làm do bất bình đẳng giới
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia, Luật Bình đẳng giới thực hiện trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm còn nhiều hạn chế, bất cập.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp, chỉ 28% vào năm 2019 (trong khi chỉ tiêu 35%), trong đó gần 91% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Khánh Lương cho biết, phụ nữ giữ tỷ lệ nhỏ các vị trí lãnh đạo quản lý doanh nghiệp. Phụ nữ gặp nhiều rào cản hơn trong tiếp cận nguồn lực đất đai, công nghệ... các nhóm phụ nữ yếu thế, chịu đủ kiểu bất lợi: Ví dụ như phụ nữ dân tộc thiểu số, nông thôn, đơn thân... khó được tiếp cận dịch vụ an sinh-xã hội, vấn đề việc làm, giáo dục.
Các báo cáo điều tra việc làm đều cho thấy lao động nữ yếu thế hơn về trình độ khi tham gia thị trường lao động. 17% lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo trong khi đó chỉ tiêu là 50%.
Việc làm của lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề không yêu cầu trình độ, có vị thế thấp, dễ tổn thương. Đặc biệt lao động di cư khu không chính thức thức chịu nhiều bất lợi. Khoảng cách giới trong bối cảnh cách mạng 4.0.
"Hầu hết lao động nữ làm các công việc không được trả lương, tỷ lệ phụ nữ làm việc này cao gấp đôi so với nam giới. Lao động nữ không được ghi nhận, không có chế độ", ông Lương nói thêm.
Ông Lương cũng chỉ ra sự bất công trong việc thực hiện chế độ thai sản, trong khi nữ được nghỉ thai sản 6 tháng thì lao động nam chỉ được nghỉ 7 ngày. Thời gian nghỉ ngắn nên lao động nam không có thời gian trợ giúp vợ trong các công việc nhà, chăm sóc con cái. Luật này cũng chỉ được áp dụng trong lĩnh vực việc làm chính thức, lao động trong khối phi chính thức không có.
"Hiện nay các ưu đãi thuế chưa được áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ siêu nhỏ. Trong khi đó doanh nghiệp phụ nữ làm chủ lại chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó các nhóm lao động yếu thế chưa được bảo vệ đầy đủ", nhóm chuyên gia chia sẻ thêm.
Trong thực tế, tại các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lao động nữ luôn lép vế, phải nhận khoản tiền lương thấp hơn, làm các công việc ít được ghi nhận hơn. Tuy nhiên lao động nữ thường ít ý kiến hay phản kháng khi bị phân biệt giới.
Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra những điểm cần được xem xét sửa đổi một cách toàn diện trong Luật Bình đẳng giới thời gian tới nhằm đáp ứng thực tiễn cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.