Bất bình đẳng giới khiến Việt Nam mỗi năm thiếu hụt hơn 45.000 trẻ em gái

Thùy Anh Thứ năm, ngày 24/03/2022 19:14 PM (GMT+7)
Theo ước tính của UNFPA, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 45.900 bé gái, tức là 45.900 bé gái không có cơ hội chào đời chỉ vì các em là con gái. Tình trạng bất bình đẳng giới được xác định xảy ra nhiều hơn ở các vùng nông thôn.
Bình luận 0

Bất bình đẳng ước tính tước đi quyền được ra đời của hơn 45.000 bé gái

Đây là con số đáng báo động, đau lòng được đưa ra tại Hội nghị phòng chống bạo lực gia đình do Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tổ chức sáng nay 24/3.

Trong bài tham luận của mình, bà Trần Thị Bích Loan - Phó vụ trưởng Vụ Bình Đẳng giới (Bộ LĐTBXH) nêu ra những con số bất bình đẳng giới đáng báo động. Theo đó, các con số mất cân bằng giới tính sinh giữa nam và nữ ngày càng gia tăng theo năm. Nếu năm 2006 tình trạng mất cân bằng giới tính là 106 trẻ nam trên 100 bé gái thì tới năm 2021 con số này đã gia tăng cách biệt, khoảng cách đã là 113 trẻ em nam trên 100 trẻ em gái. Ở một số địa phương thuộc đồng bằng Sông Hồng như: Bắc Giang; Bắc Ninh..., có xã tỷ lệ này còn cao tới mức đột biến, 140 trẻ em nam/100 trẻ em gái.

"Theo ước tính của UNFPA, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 45.900 bé gái, tức là 45.900 bé gái không có cơ hội chào đời liên quan tới vấn đề 'trọng nam khinh nữ'", bà Loan nói.

bạo lực gia đình

Bà Trần Thị Bích Loan - Phó vụ trưởng Vụ Bình Đẳng giới (Bộ LĐTBXH) chia sẻ kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam. Ảnh: N.T

Không chỉ mất cân bằng giới tính khi sinh, trẻ em gái, phụ nữ cũng chịu nhiều thiệt thòi. Số trẻ em gái bị tảo hôn cao hơn nhiều so với trẻ em nam. Trẻ em gái là hơn 14% trong khi đó, trẻ em nam chỉ là 1,9%.

Nhiều trẻ em gái dù mới bước vào tuổi vị thành niên cũng bị gia đình ép kết hôn với người nước ngoài. Thậm chí một số bố mẹ sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn lấy tấm gương của con hàng xóm lấy chồng nước ngoài giàu có báo hiếu bố mẹ để bắt con gái phải kết hôn với mong muốn “Hy sinh đời con để làm son đời bố mẹ". 

"Nhiều gia đình xem con trai là người trụ cột để nương tựa lúc về già vì thế có thiên hướng lựa chọn đầu tư cho con trai học hành nhiều hơn con gái. Ngay cả việc thừa kế cũng nghiêng về con trai vì có hơn 52,7% được quyền sở hữu đất ở trong khi con gái chỉ là 21%", bà Loan nói.

Tất cả những điều này làm gia tăng định kiến giới, gia tăng bạo lực gia đình theo giới với phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình (nữ giới luôn bị bạo lực cao hơn so với nam giới). Thực tế cho thấy, 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, kiểm soát hành vi và bạo lực tình dục. 90,4% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới không tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Ước tính bạo lực phụ nữ gây thiệt hại cho Việt Nam tương đương 1,81% GDP vào năm 2018.

Trước thực trạng này, Bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình (BLGĐ) với phụ nữ và trẻ em gái nhưng thực tế kết quả vẫn còn chưa được như mong đợi.

Đặt mục tiêu 95% nạn nhân bạo lực được bảo vệ, chăm sóc  

Để hỗ trợ phòng ngừa bạo lực, phân biệt giới, nhiều tổ chức đoàn thể đã triển khai công tác phòng chống BLGĐ trong tình hình mới.

Cụ thể như Hội Nông dân Việt Nam đã thí điểm thành lập đường dây nóng 18001768 tiếp nhận cuộc gọi tư vấn phòng ngừa bạo lực gia đình. Sau 4 tháng triển khai (từ tháng 11/2021) đến nay, đường dây đã tiếp nhận hơn 5.000 cuộc gọi và tư vấn, hỗ trợ, giải quyết 355 ca bạo lực. Hiện nay, tổng đài đang hoạt động như một trung tâm cứu trợ khẩn cấp và xử lý khủng hoảng cho phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực.

bạo lực gia đình

Mục tiêu kế hoạch phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn mới là hỗ trợ cho 95% nạn nhân. Ảnh: I.T

Đồng thời, dự án cũng triển khai thí điểm 25 mô hình người cha trách nhiệm tại 5 tỉnh, thành Hội và phối hợp với UNFPA tiếp nhận và phân phối 31.200 bộ đồ dùng thiết yếu cho 31.200 phụ nữ nghèo tại 21 tỉnh có nguy cơ cao bị bạo lực do ảnh hưởng của lũ lụt miền trung và đại dịch Covid-19.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng thực hiện Chương trình về phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Các mục tiêu chính của chương trình là: trên 70% người có nguy cơ bị BLGĐ được trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó với BLGĐ; 95% nạn nhân phát hiện bị BLGĐ được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc y tế; 95% xã, phường, thị trấn triển khai và duy trì Mô hình Phòng chống BLGĐ; và 90% người trực tiếp tham gia công tác phòng chống BLGĐ được đào tạo về kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ phòng chống BLGĐ, cùng với những nội dung khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem