Những tồn tại này đã được ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phân tích, mổ xẻ trong một bài viết gửi cho Báo NTNN.
Rối rắm, khó hiểu
Khi làm phó chủ tịch tỉnh phụ trách “tam nông”, tôi có dự hội nghị đóng góp Luật Đất đai 1993, và tiếp theo, khi làm chủ tịch UBND tỉnh thì thực hiện Luật Đất đai 2003. Nói vậy để thấy rõ 2 việc: Các đại biểu đóng góp sửa luật, khi còn dự thảo không được tiếp thu nên những vấn đề cốt lõi, các từ ngữ, khái niệm và cách diễn đạt vẫn giữ gần như nguyên.
|
Theo ông Nhị, các quy định về về đất đai hiện nay quá rắc rối nên người dân khó hiểu. |
Từ đó dẫn đến việc thứ hai là thực hiện luật vô cùng khó khăn và phức tạp – hiểu và làm sai là khó tránh khỏi và “vận dụng” làm bậy cũng rất dễ dàng.
Cái cốt lõi của vấn đề là ở chỗ: Quyền làm chủ trực tiếp của nông dân (người dân) thì ít và mơ hồ, trong khi nhà nước (các cấp chính quyền) thì quyền hạn mênh mông, chồng chéo lên nhau. Cả 4 cấp và 4 Bộ TNMT, NNPTNT, KHĐT, Tài chính – Vật giá (cũ) đều có quyền: Quyền sở hữu, quyền đại diện và nhất là toàn quyền sử dụng – định đoạt. Đã có đến 700 văn bản dưới luật và hướng dẫn thi hành mà đến nay vẫn còn chưa ổn thì đủ thấy cái rắc rối này như “ma trận”.
Trước khi viết bài này, tôi đọc lại Luật Đất đai 2003 và các văn bản dưới luật của Chính phủ và Bộ TNMT. Thật tình là quá rối rắm, hiểu không hết nổi. Cốt lõi của cái khó là nói sao để tránh cái “quyền sở hữu” của người dân nên mới có cấu trúc văn bản phức tạp mà không người nông dân nào hiểu hết khi đọc các văn bản ấy.
Quyền sử dụng lâu dài, về thực chất như quyền thuê đất 20 năm mà thôi. Nông dân có công với cách mạng mà chỉ được thuê 20 năm, trong khi các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài thì 50 năm, vậy có công bằng không?
Ngay như Điều 105 và các điểm b, c, d của Điều 114 quy định các quyền của đối tượng sử dụng đất, vì tránh“sở hữu” nên viết rất dài, nhưng thiếu và khó hiểu. Đất đai nên đa sở hữu và do vậy mới cần có luật để điều chỉnh các mối quan hệ sở hữu ấy. Cái cốt lõi của Luật Đất đai cần sửa có lẽ là chỗ đó, vừa hợp lòng dân vừa phù hợp với hội nhập quốc tế.
Cơ hội cho tham nhũng
Trong thực tế, tôi từng chủ trì giải quyết các tranh chấp đất đai, nhiều vụ thành nhưng không phải là ai cũng thỏa mãn. Nhiều vụ gay gắt xử mãi không xong, có vụ xử bên nào thắng cũng là đúng... Đặc biệt, có vụ tranh chấp nhà đất ở huyện Tân Châu năm 1968 giữa vợ 1 thiếu tá Sài Gòn - bên nguyên, do tòa án chế độ cũ xử, thì bên bị là gia đình có công với cách mạng thắng vì có “quyền lưu cư thâm niên”. Tòa của ta xử ngược lại, họ thua mới đau!
Luật Đất đai quy định thời gian (20 năm) và cả 4 cấp chính quyền đều có quyền về đất như hiện nay là kẽ hở cho tham nhũng đầm đìa.
Ông Nguyễn Minh Nhị
Nói thế để thấy luật của ta như một rừng chữ, nhưng trong đó có quá nhiều đường quanh, nẻo tắt; người ngay vận dụng là quá khó khăn, kẻ cơ hội, tham nhũng thì tha hồ kiếm chác.
Điển hình như chính quyền huyện Tiên Lãng nói: Thu hồi thì cứ thu hồi, còn giao lại cho ai thì chưa tính, đó là quyền của nhà nước. Mồ hôi, công sức, tiền của của người dân mà nói tưng tửng như vậy thì chỉ có trời mới hiểu. Dân không hiểu thì mới làm liều như trường hợp Đoàn Văn Vươn!
Năm 2013 là hết hạn 20 năm có “quyền sử dụng đất” của đại đa số nông dân, rồi vấn đề gì sẽ xảy ra nếu không sửa cái “thời hạn” và cả “hạn điền”? Nhân đây xin được nói thêm về hạn điền và thời hạn “sử dụng đất”. Hạn điền 3ha là cấp đất không thu tiền, còn chứng nhận việc sang nhượng, mua sắm mà cũng hạn điền là không lên sản xuất lớn, không cạnh tranh.
Đặt vấn đề sửa Hiến pháp, sửa Luật Đất đai (và các luật quan trọng khác có liên quan tới quyền dân chủ tự do của người dân) thiết nghĩ Trung ương đã rất sáng suốt đặt vấn đề giải quyết trong cái tổng thể “cải cách thể chế” và phân công lãnh đạo cao cấp chủ trì.
-------------------
Kỳ 4: Phải hài hoà lợi ích
Nguyễn Minh Nhị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.