Năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 về chính sách miễn, giảm thủy lợi phí. Theo đó, Nhà nước sẽ cấp bù thủy lợi phí cho các công ty thủy nông, thay vì người dân phải đóng góp.
Cho tay phải, lấy đi bằng tay trái
Bắc Nam Hà là một trong những doanh nghiệp thuỷ lợi lớn nhất của cả nước với chức năng phục vụ tưới, tiêu cho trên 100.000ha, thuộc địa bàn 4 huyện của tỉnh Hà Nam và 4 huyện của Nam Định.
|
Nhiều thiết bị ở Công ty Bắc Nam Hà đang cần kinh phí để thay thế. |
Ông Nguyễn Đình Kính- Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Nam Hà đã “ví” Nghị định 115 như cơn “mưa vàng” đối với doanh nghiệp do ông đang chèo lái.
Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm, công ty được cấp hơn 80 tỷ đồng từ nguồn cấp bù thuỷ lợi phí. Với khoản kinh phí đó, lương công nhân, từ chỗ khó đảm bảo đời sống, nay đã được nâng lên trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, công ty cũng dành ra được 30 – 40% nguồn thu để nạo vét cho hàng chục km kênh mương, thay thế máy móc, thiết bị tại các trạm bơm.
Tuy nhiên, đấy là chuyện của 1, 2 năm về trước. Theo tính toán của ông Kính, trong 3 năm qua, giá điện đã tăng 56%. So với thời điểm đầu năm 2009, khi Nghị định 115 có hiệu lực, mỗi năm công ty phải chi 22-23 tỷ đồng tiền điện. Cộng với lương tối thiểu của công nhân liên tục tăng, giá cả nguyên vật liệu tăng… nên doanh nghiệp đã “tái nghèo.
“Dù đã áp dụng sáng tạo đủ đường từ tận dụng triều cường để lấy nước; bơm nước buổi đêm để tránh điện giá cao, đến tinh giản biên chế… nhưng công ty vẫn đang hết sức khó khăn” - ông Kính cho biết.
Lý do, theo ông Kính là, trước đây kinh phí cấp về được 10 phần, thì chúng tôi làm được 10; còn bây giờ, cho 10 chỉ làm được 7 phần là cùng. Ông Kính thẳng thắn nói: “Hỗ trợ kiểu này, chẳng khác nào Nhà nước cho bằng tay phải, nhưng tay trái lại lấy đi”.
Mặc dù thiếu kinh phí, nhưng lương công nhân không thể giảm, nên Công ty Bắc Nam Hà bất đắc dĩ phải tạm dừng việc sửa chữa, nâng cấp các công trình hoặc sửa chữa một cách chắp vá. Do đó, ông Kính đề nghị, với tình hình thời giá hiện nay, kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí cần tăng khoảng gấp 2 lần so với mức cũ.
Cố gắng cầm cự
Các doanh nghiệp thuỷ lợi nhỏ ở cơ sở là những đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất từ Nghị định 115, nhưng bây giờ cũng là những đơn vị chịu nhiều sức ép nhất từ Nghị định này. Công ty KTCTTL Nghĩa Hưng chịu trách nhiệm tưới tiêu cho cả huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) với tổng diện tích hơn 17.600ha.
Ông Phạm Trung Kiên- Trưởng phòng Quản lý nước của công ty cho biết: “Trước khi công ty chưa được cấp bù thuỷ lợi phí, việc thu thuỷ lợi phí hàng năm của nông dân rất khó khăn, tốn nhiều công sức, tỷ lệ thất thoát hàng năm có khi đến 10%. Sau khi được cấp bù thuỷ lợi phí, hàng năm công ty đã có nguồn kinh phí ổn định để hoạt động”.
Mặc dù đã được “bao cấp”, nhưng nhiều công ty thủy lợi cho rằng, nếu cứ thực hiện chính sách hỗ trợ như hiện nay, các đơn vị này sẽ... tái nghèo.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn theo ông Kiên, khoản cấp bù thuỷ lợi phí hiện khó đảm bảo cho cuộc sống của cán bộ, công nhân viên, cùng công tác duy tu, sửa chữa. Ông Doãn Văn Hạnh- Cụm trưởng một cụm tưới tiêu thuộc Công ty KTCTTL Nghĩa Hưng cho biết: “Lương cán bộ của cụm rất thấp, từ 2 – 2,2 triệu đồng/tháng, chỉ đủ để duy trì cuộc sống một cách khó khăn. Trong khi đó, công việc của cán bộ thuỷ nông lại hết sức vất vả, thậm chí nguy hiểm”. Những người như anh Hạnh, ngoài việc đảm bảo công tác thuỷ lợi phải kiêm luôn công tác… dọn vệ sinh kênh mương.
Ông Kiên cho biết, do việc lấy nước ở Nghĩa Hưng phụ thuộc nhiều yếu tố như lượng nước, độ mặn của nước nên đòi hỏi thao tác phải nhanh, chính xác. Trong khi đó, hiện nay, do không có tiền đầu tư nên mức độ cơ giới hoá còn rất thấp. Chẳng hạn, muốn đóng mở một cửa cống hiện nay, phải mất 2 công nhân làm bằng tay trong 2,5 giờ nên việc đảm bảo lượng nước ra/vào, độ mặn của nước rất khó đảm bảo.
Theo báo cáo của công ty này, do nguồn thu không tăng nhưng chi cho lương công nhân, hoạt động điều hành… bắt buộc phải tăng nên chi phí sửa chữa, nâng cấp công trình đã bị xuống cấp. Tổng kinh phí để nạo vét tu bổ công trình năm 2011 là gần 13 tỷ đồng. Nhưng năm 2012, kinh phí dự kiến cho công tác này ở Công ty Nghĩa Hưng chỉ là 10 tỷ đồng.
Việt Tùng - Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.