Bất cập trong sử dụng đất ở địa phương

Thứ bảy, ngày 23/03/2013 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tổ chức Oxfam đã công bố kết quả tham vấn sau nhiều tháng triển khai, có rất nhiều phát hiện về sự bất hợp lý trong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất...
Bình luận 0

Quy hoạch sử dụng đất manh mún, tồn tại nhiều dự án treo, tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các nông trường và nông dân, định giá đất chưa hợp lý là một trong rất nhiều phát hiện của Oxfam sau quá trình tham vấn lấy ý kiến nhân dân, góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngày 22.3, Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc hội) cùng Tổ chức Oxfam đã tổ chức Hội thảo "Xem xét, bình luận báo cáo tổng hợp kết quả tham vấn ý kiến nhân dân và góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)".

Tại hội thảo này, Tổ chức Oxfam đã công bố kết quả tham vấn sau nhiều tháng triển khai, có rất nhiều phát hiện về sự bất hợp lý trong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất đối với đất nông nghiệp do nông dân sử dụng cũng như việc thu hồi đất và giải quyết bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất...

img
Việc tồn tại nhiều dự án quy hoạch treo đã khiến cho cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.

Khó từ đất manh mún

Theo Oxfam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng người dân không được biết về các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và việc thu hồi đất liên quan tới thực hiện các dự án. Điều đó khiến người dân hoang mang không yên tâm sản xuất, thậm chí có những người dân phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương.

Ở xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), người dân đang rơi vào tình trạng này khi chính quyền cho thực hiện dự án hồ Trọng mà dân xã Quy Hậu đã không được thông báo về việc xây dựng và thu hồi, bồi thường mất đất như thế nào nên khi thấy cán bộ địa chính xã và các nhà thầu tiến hành đo đạc, người dân rất hoang mang và họ đã ngăn cản không cho triển khai dự án trên phần đất của họ.

Liên quan đến việc quy hoạch sử dụng đất, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: "Người dân thường ở thế bị động, không có thông tin và mất quyền tham gia quyết định quy hoạch trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Bên cạnh đó việc quy hoạch sử dụng đất hiện nay còn manh mún, không đồng bộ, không được triển khai (quy hoạch "treo"), thiếu chi tiết, cụ thể và thiếu cơ chế bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, điều đó gây trở ngại cho việc sản xuất của nông dân".

Thu hồi đất thiếu minh bạch

Hầu hết các ý kiến đều nói rằng quá trình thực hiện thu hồi đất thiếu minh bạch, người dân không biết gì về các nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, không được biết gì về phương án bồi thường, hỗ trợ, về nơi ở mới, trong khi tái định cư có tác động rất lớn đến cuộc sống hiện tại của họ. Điều làm người dân bất bình nhất là mình được bồi thường, hỗ trợ rất ít nhưng nhà đầu tư lại được lợi rất lớn khi chuyển nhượng đất được giao cho người khác trên thị trường.

Các cuộc tham vấn cộng đồng để góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện với 1.300 người bao gồm nông dân nghèo và đại diện các nhóm yếu thế khác như người dân tộc thiểu số, phụ nữ... tại 22 xã thuộc 11 huyện của 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An.

Về vấn đề này, tại hội thảo ông Tất Thắng - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: "Luật Đất đai càng thu hẹp khái niệm thu hồi đất càng tốt, bởi vì quyền sử dụng đất là quyền tài sản, do đó không nên áp dụng cơ chế thu hồi đất.

Không thể thu hồi tài sản cá nhân của người dân được. Nên thay khái niệm thu hồi bằng khái niệm trưng thu, trưng mua. Nhà nước có thể sử dụng cơ chế trưng thu, trưng mua cho mục đích công cộng, xã hội, còn đối với mục đích quốc phòng an ninh có thể sử dụng cơ chế thu hồi đất khi thấy cần thiết".

Cũng trong bản tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng, Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc hội) cho rằng trước đây, cộng đồng các dân tộc thiểu số được khai thác đất rừng, cuộc sống của họ luôn gắn với rừng. Giờ đây, họ thiếu cả đất ở, đất sản xuất và mất sinh kế, dẫn đến thiếu đói thường xuyên do các nông, lâm trường quốc doanh chiếm giữ một diện tích đất lớn, trong khi lại sử dụng không hiệu quả.

Ngoài ra, vấn đề quy hoạch sử dụng đất không xác định rõ ràng về địa giới và trách nhiệm quản lý dẫn đến tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với nông, lâm trường, khiếu kiện kéo dài tới nhiều cấp chính quyền gây thiệt hại đến tài sản của các bên. Điển hình là Lâm trường Tân Lạc (Hòa Bình) hiện nay vướng vào các vụ khiếu kiện của người dân 5 xã trên tổng số 8 xã có diện tích đất đan xen với lâm trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem