Bất chấp lệnh trừng phạt, lợi nhuận năng lượng của Nga vẫn tăng vọt

Lê Phương (Newsweek) Chủ nhật, ngày 05/06/2022 12:49 PM (GMT+7)
Hôm 4/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Moscow không ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm nay. Nguồn thu của Nga tăng 20 tỷ USD mỗi tháng từ xuất khẩu dầu lên hơn 600.000 thùng/ngày vào tháng 4/2022.
Bình luận 0
Nga khẳng định bất chấp các lệnh trừng phạt, lợi nhuận năng lượng vẫn tăng đáng kể - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Getty

Ông Lavrov tự tin trả lời một đài truyền hình của Bosnia: "Ngược lại là đằng khác, năm nay chúng tôi sẽ tăng đáng kể lợi nhuận từ việc xuất khẩu các nguồn năng lượng của mình".

Ngoại trưởng lập luận: "Nói chung, dầu mỏ không phải là đối tượng chính trị, ai cũng có nhu cầu mà thôi... Chúng tôi có các thị trường bán hàng thay thế, từ đó giúp doanh số gia tăng".

Bình luận của ông được đưa ra vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cấm 90% nhập khẩu dầu thô từ Nga. Mỹ cũng đã chuyển sang chặn nhập khẩu dầu của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Được biết, giá dầu quốc tế đã tăng lên sau khi EU quyết định cắt nguồn cung dầu của Nga.

Tháng trước, trước khi EU công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lợi nhuận từ xuất khẩu dầu của Nga tăng 50% so với đầu năm.

Theo Insider, nguồn thu của Nga tăng 20 tỷ USD mỗi tháng từ xuất khẩu dầu lên hơn 600.000 thùng/ngày vào tháng 4/2022, nhu cầu từ Ấn Độ và Trung Quốc đã bù đắp cho sự thiếu hụt ở các thị trường phương Tây. Sau các lệnh trừng phạt được áp đặt, Ấn Độ và Trung Quốc đã chuyển sang mua dầu của Nga nhiều hơn bao giờ hết.

Một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch công bố hồi cuối tháng 4/2022 cho thấy, Nga đã bán được lượng nhiên liệu hóa thạch trị giá hơn 66 tỷ USD kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, bất chấp thực tế rằng Moscow phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.

Vào thời điểm đó, báo cáo cho thấy Đức là nước EU mua nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất của Nga với 9,5 tỷ USD. Italy đứng thứ hai với 7,2 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chi hơn 7 tỷ USD từ cuối tháng 2 đến tháng 4/2022, theo báo cáo.

Đức đã loại bỏ đường ống Nord Stream 2, vốn nhằm tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang nước này, để đối phó với tình hình giao tranh đang diễn ra.

Newsweek đã liên hệ với Nhà Trắng để đưa ra bình luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem