Phương Tây đang bàn về tương lai của Ukraine 'sau lưng' Kiev?

Lê Phương (RT) Chủ nhật, ngày 05/06/2022 07:02 AM (GMT+7)
Các đồng minh phương Tây của Ukraine, bao gồm Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU), được cho là đang thảo luận về một kế hoạch hòa bình cho Kiev mà không cần thông qua nước này, CNN đưa tin.
Bình luận 0
Phương Tây đang bàn về tương lai của Ukraine 'sau lưng' Kiev? - Ảnh 1.

Chiến sự diễn ra căng thẳng khiến nhiều quốc gia lo ngại. Ảnh: AFP

Theo hãng truyền thông Mỹ CNN, trích dẫn "nhiều nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán", các quan chức từ Washington, London và Brussels "trong những tuần gần đây đã họp thường xuyên" nhằm đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn và giải quyết hòa bình khả thi cho Ukraine. Tuy nhiên, CNN chỉ ra rằng bản thân Kiev không có mặt trong các cuộc đàm phán.

Trong số các kế hoạch được những đồng minh của Kiev thảo luận có phương án do Italy đề xuất vào cuối tháng 5/2022, CNN tuyên bố.

Lần đầu tiên được truyền thông Italy tiết lộ, kế hoạch bao gồm 4 điểm chính. Đầu tiên là kêu gọi ngừng bắn và phi quân sự hóa chiến tuyến ở miền đông Ukraine, khi đó Kiev có thể trở thành một quốc gia trung lập. Sau đó Moscow và Kiev sẽ thiết lập một thỏa thuận về quy chế của Crimea và Donetsk cũng như Luhansk. Tất cả sẽ được kiểm soát bởi một hiệp định đa phương về hòa bình và an ninh ở châu Âu, tập trung vào giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí.

Tuy nhiên, kế hoạch được cho là đã bị cả lãnh đạo Ukraine và Nga bác bỏ.

Ngay sau khi các báo cáo về đề xuất của Italy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng khẳng định Kiev sẽ không nhượng lại bất kỳ lãnh thổ nào của mình để đổi lấy hòa bình.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các nhà báo rằng kế hoạch đề xuất tạo ra các khu tự trị ở Crimea và Donbass của Ukraine về lâu dài là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Moscow.

Theo báo cáo, những nỗ lực của Mỹ, Anh và EU nhằm tìm cách giải quyết cuộc xung đột được thúc đẩy bởi lo ngại rằng giao tranh có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. 

"Nhiều quan chức có quyền truy cập thông tin tình báo mới nhất" nói với CNN rằng tình hình hiện tại đang bế tắc.

Báo cáo cho biết, việc kéo dài xung đột cũng sẽ ngày càng gây căng thẳng cho các đồng minh của Kiev, bao gồm cả Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với những thách thức bao gồm tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine mà không làm cạn kiệt kho dự trữ của Washington, tìm kiếm nguồn thay thế bền vững cho dầu khí từ Nga và duy trì sự thống nhất giữa các đồng minh châu Âu.

CNN trích dẫn một số quan chức của chính quyền Biden và NATO, báo cáo rằng cả Ukraine và Nga đều không tỏ ra quan tâm đến "các cuộc đàm phán nghiêm túc".

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow bắt đầu chỉ vài ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng vào cuối tháng 2/2022. Một số vòng đàm phán trực tiếp lẫn trực tuyến đã được tổ chức trong suốt tháng 3/2022, đỉnh điểm là cuộc gặp tại Istanbul vào ngày 29/3.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 4/2022, chính phủ Ukraine cáo buộc các lực lượng Nga đã thảm sát thường dân ở Bucha, ngoại ô Kiev. Đáp lại, Điện Kremlin kịch liệt phủ nhận cáo buộc này.

Ngay sau đó, chính quyền của Tổng thống Zelensky đã đình chỉ các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời nhấn mạnh rằng trước tiên Ukraine phải đảm bảo một chiến thắng quân sự trước Nga.

Về phần mình, Moscow tuyên bố họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán, bên cạnh đó chỉ trích ngược lại rằng chính Kiev đã làm đình trệ quá trình này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem