'Bật mí' nhiều vấn đề nóng trong điều hành chính sách tiền tệ 2021

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 08/01/2021 08:24 AM (GMT+7)
Các vấn đề về điều hành tỷ giá, lãi suất trong năm 2021, sớm sửa đổi thông tư 01… đã được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú “bật mí” trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khó khăn bởi bị Mỹ áp đặt thao túng tiền tệ, dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp…
Bình luận 0
“Bật mí” nhiều vấn đề nóng trong điều hành chính sách tiền tệ 2021  - Ảnh 1.

Chính sách tiền tệ năm 2021 sẽ được NHNN điều hành ổn định, linh hoạt

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chính sách tiền tệ được Việt Nam điều hành một cách linh hoạt, ổn định từ nhiều năm qua. Vì thế, dù hiện tại Mỹ đang đánh giá chúng ta thao túng tiền tệ nhưng NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo nguyên tắc linh hoạt, không cố định, mà ổn định tỷ giá trên cơ sở cân đối cung cầu ngoại tệ, trên cơ sở giám sát được trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng và của doanh nghiệp, kết hợp với kiên định chống đô la hóa.

"Chính sách điều hành tỷ giá năm 2021 sẽ kiên định mục tiêu phải hài hòa cả nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán…, chứ không chỉ vì xuất khẩu", Phó Thống đốc Đào Minh Tú, khẳng định.

Một vấn đề khác khá quan trọng là việc sớm sửa đổi thông tư 01. Cụ thể, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp như ngồi trên "đống lửa" vì đã hết hạn lấy ý kiến đã lâu nhưng thông tư sửa đổi thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ... vẫn chưa được ban hành.

Càng lo ngại hơn, nếu thông tư sửa đổi không được ban hành kịp thời, doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào "danh sách đen" nợ quá hạn, sẽ không thể tiếp tục vay vốn để phục hồi sau dịch Covid-19.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận, thông tư 01 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm xây dựng thông tư 01, mục tiêu cũng chỉ là nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vài tháng, không ai nghĩ dịch Covid-19 lại kéo dài như thế.

"Hiện nay Việt Nam kiểm soát dịch tốt nhưng với các nước trên thế giới đó vẫn là câu chuyện phức tạp. Điều này khiến cho việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu còn gặp rất nhiều khó khăn và cần hỗ trợ để phục hồi. Vì thế, ngay trong phương hướng năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng coi việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do Covid-19 là một trong những mục tiêu quan trọng, đặc biệt sẽ sớm sửa đổi và ban hành thông tư sửa đổi thông tư 01", ông Tú cho hay.

Cụ thể, theo Phó Thống đốc, việc sửa thông tư 01 sẽ theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các nội dung sửa đổi cũng phải được xác định một cách hợp lý trong vấn đề cơ cấu lãi các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng và trong đó cũng xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng, kể cả trong ngắn hạn cũng như sự an toàn và lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong trung hạn.

"Sẽ có quy định trích lập trong một thời điểm nào đó, ví dụ trong 3 năm để có thể có thời gian xử lý trích lập cho khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính và thông tư sửa đổi thông tư 01 sẽ sớm ra đời", ông Tú khẳng định.

Về lãi suất, tính từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành. NHNN là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Đồng thời, cơ quan này cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, tính đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Về định hướng điều hành lãi suất trong năm 2021, NHNN cho biết sẽ tiếp tục định hướng điều hành lãi suất linh hoạt, tận dụng mọi cơ hội, điều kiện phù hợp để giảm lãi suất điều hành, qua đó tác động giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem