Ông Lý Cường được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc - bật mí về một nhà điều hành hiệu quả

Phương Đăng (theo TTXVN, Reuters/BBC/Washington Post) Thứ bảy, ngày 11/03/2023 11:26 AM (GMT+7)
Sáng 11/3, trong phiên họp toàn thể lần thứ 4 Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Cường đã được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc, thay ông Lý Khắc Cường.
Bình luận 0

Chân dung ông Lý Cường

Bật mí về tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường - 'cánh tay phải' lâu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Lý Cường gặp gỡ giới truyền thông sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 23 tháng 10 năm 2022. Ảnh Reuters.

Theo TTXVN,  ông Lý Cường sinh vào tháng 7/1959 tại huyện Thụy An, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1983. Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông từng trải qua nhiều vị trí công tác tại các tỉnh, thành như Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải, trong đó nổi bật nhất là các chức vụ Tỉnh trưởng Chiết Giang, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô và Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Ông Lý học đại học về cơ giới hóa nông nghiệp tại Chiết Giang (1978-1982). Ngoài ra, ông cũng có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Bách khoa Hồng Kông.

Trước khi tham gia chính trị, ông Lý làm việc tại một trạm thủy lợi địa phương rồi sau đó chuyển sang làm việc tại Nhà máy Công cụ số 3 ở huyện Thụy An, NDTV đưa tin.

Khi chuyển tới cơ quan dân chính Chiết Giang vào năm 1984, ông phụ trách về phúc lợi nông thôn trong 12 năm và chứng kiến sự thay đổi của tỉnh Chiết Giang khi chính sách cải cách, mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu có hiệu lực.

Sau thời gian ngắn làm việc tại Sở thương mại của Chiết Giang, ông Lý Cường được bầu làm Bí thư Thành ủy Ôn Châu vào năm 2002. Khi ấy ông mới 43 tuổi, người trẻ nhất nhận vị trí này trong hơn ba thập kỷ.

Ông Lý Cường từng là thư ký của ông Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2003 đến năm 2007.

Sự nghiệp chính trị của ông Lý bắt đầu thăng tiến với những dấu mốc quan trọng bao gồm tháng 1/2013 khi ông được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Chiết Giang. Ba năm sau, ông Lý trở thành Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô và tháng 10/2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải và lần đầu tiên được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo BBC News, ông Lý thường được mô tả là thành viên trong “Chiết Giang tân quân” - chỉ một nhóm cán bộ tỉnh Chiết Giang làm việc dưới thời ông Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc làm Bí thư Chiết Giang.

Nhóm này có Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, vừa vào Thường vụ Bộ Chính trị ngày 23/10/2022, Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ, cũng đang trong Bộ Chính trị.

Ông Lý Cường đã được bầu là Thủ tướng Trung Quốc, điều hành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mà không từng giữ chức Phó thủ tướng, theo truyền thống. Dù vậy, ông được cho là có kinh nghiệm điều hành kinh tế, xã hội ở ba địa phương quan trọng hàng đầu: Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải.

Những kỳ vọng mới

Bật mí về tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường - 'cánh tay phải' lâu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh Reuters.

Theo báo chí nước ngoài, được bầu vào vị trí Thủ tướng, ông Lý được kỳ vọng lập lại kỳ tích về kinh tế của Trung Quốc trên quy mô toàn quốc. Được giao nhiệm vụ đảm bảo sự năng động của nền kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là xoa dịu sự bất an của các nhà đầu tư sau 3 năm bất ổn do phong tỏa vì đại dịch Covid-19, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp.

Với tư cách là người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, ông sẽ là người chỉ đạo thực hiện một số sáng kiến chính sách chính — và khó khăn nhất — của Chủ tịch Tập Cận Bình như các chiến dịch giải quyết bất bình đẳng và mang lại “sự thịnh vượng chung” cho quần chúng đồng thời mang sự đột phá của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và sản xuất vi mạch.

Theo Reuters, ông Lý đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc chấm dứt điểm chính sách "Không Covid" hồi cuối năm.

Tân Thủ tướng Trung Quốc được mô tả là người có tư duy thực tế, một người điều hành hiệu quả, và ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân.

Một doanh nhân người Ôn Châu nhiều lần gặp gỡ với ông Lý đánh giá ông là một vị Bí thư Thành ủy luôn ủng hộ doanh nghiệp với “đôi tai chịu lắng nghe” và tư duy thực tế.

Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Mỹ - Trung và là cựu quan chức Mỹ bình luận rằng, ông Lý đã tìm cách cân bằng sân chơi cho các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Trung Quốc khi đề cập đến việc tập đoàn sản xuất xe Tesla có thể mở nhà máy hoạt động tại Thượng Hải một cách nhanh chóng vào năm 2019.

"Rõ ràng là không có gì có thể cản trở ông ấy đưa ra quyết định, ông ấy một người có thẩm quyền, và điều này thực sự có lợi" ông Allen mô tả về ông Lý.

Trong khi đó, cây bút người Mỹ Robert Lawrence Kuhn, người đã gặp ông Lý và ông Tập vào năm 2005 và 2006 bình luận, cả hai lãnh đạo Trung Quốc có mối quan hệ thoải mái.

"Không giống hầu hết các trợ lý của những nhà lãnh đạo hàng đầu, ông Lý không phải là một người dè chừng. Kể cả khi có sự hiện diện của ông Tập, ông Lý vẫn cảm thấy thoải mái và tự tin để trò chuyện thân thiện với tôi", ông Kuhn nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem