Bất ngờ phát hiện "kho báu" 230 triệu năm nằm trong phân khủng long hóa thạch

Minh Nhật Chủ nhật, ngày 04/07/2021 18:12 PM (GMT+7)
Các nhà khoa học mới đây vừa tìm thấy một "kho báu" bất ngờ nằm ẩn giấu trong phân khủng long hóa thạch. "Kho báu" đó là một loài bọ cánh cứng 230 triệu năm tuổi, chưa từng được phát hiện trước đây.
Bình luận 0
Bất ngờ phát hiện "kho báu" 230 triệu năm nằm trong phân khủng long hóa thạch - Ảnh 1.

Đây chính là "kho báu" 230 triệu năm nằm trong phân khủng long hóa thạch

Theo CNN, loài bọ cánh cứng mới bé nhỏ được tìm thấy trong phân hóa thạch khủng long được đặt tên là Triamyxa coprolithica. Đây cũng là loài côn trùng đầu tiên được xác định và đặt tên sau khi được tìm thấy từ phân hóa thạch (hay coprolite).

Triamyxa coprolithica có thể được nhìn thấy qua phương pháp quét chùm tia X mạnh, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology.

Sam Heads, giám đốc và người phụ trách chính của Trung tâm Cổ sinh vật học PRI tại Đại học Illinois thuộc Urbana–Champaign, Mỹ cho biết: “Hóa thạch côn trùng thuộc loại này, được bảo quản trong không gian ba chiều như thế này, thực tế chưa từng có từ kỷ Trias, vì vậy khám phá này rất quan trọng".

Bất ngờ phát hiện "kho báu" 230 triệu năm nằm trong phân khủng long hóa thạch - Ảnh 2.

Loài bọ cánh cứng Triamyxa coprolithica được bảo quản hoàn hảo, nguyên vẹn trong phân hóa thách của khủng long

Tác giả đầu tiên của nghiên cứu là Martin Qvarnström, nhà cổ sinh vật học và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những con bọ được bảo quản tốt như thế nào. Khi mô hình hóa chúng trên màn hình, chúng giống như đang nhìn thẳng vào bạn".

Lý giải việc Triamyxa coprolithica được bảo quản hoàn hảo trong phân khủng long hóa thạch, ông Martin cho biết điều này là bởi thành phần canxi photphat của coprolit. Điều này cùng với quá trình khoáng hóa sớm bởi vi khuẩn có thể đã giúp bảo tồn những hóa thạch mỏng manh này.

Bất ngờ phát hiện "kho báu" 230 triệu năm nằm trong phân khủng long hóa thạch - Ảnh 3.

Khủng long Silesaurus opolensis

Dựa trên kích thước, hình dạng và các đặc điểm giải phẫu khác, các nhà khoa học xác định phân hóa thạch chứa loài bọ mới được phát hiện do loài khủng long Silesaurus opolensis bài tiết. Đây là loài khủng long nhỏ dài khoảng 2m, nặng khoảng 15kg và sống ở Ba Lan khoảng 230 triệu năm trước trong kỷ Tam Điệp.

Các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định được liệu loài khủng long Silesaurus có xem bọ cánh cứng Triamyxa coprolithica là nguồn thức ăn yêu thích hay không nhưng bọ cánh cứng là loài duy nhất sống sót sau quá trình tiêu hóa nhờ bộ xương rất cứng của chúng rồi sau đó được đào thải qua phân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem