Bất ngờ: Thứ phụ phẩm sau mỗi mùa lúa bị đốt bỏ khói um cả làng, lên Amazon bán 100 USD/tấn

P.V Thứ năm, ngày 21/10/2021 19:28 PM (GMT+7)
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ rất lãng phí, lại gây ô nhiễm môi trường thì trên Amazon mỗi tấn rơm được rao bán với giá 80 - 100 USD/tấn.
Bình luận 0

Việt Nam đốt bỏ, Amazon bán 80 - 100 USD/tấn rơm rạ

Chia sẻ thông tin tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với báo NTNN/Dân Việt tổ chức, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ rất lãng phí, lại gây ô nhiễm môi trường thì trên Amazon mỗi tấn rơm được rao bán với giá 80 - 100 USD/tấn.

Ông Chinh cho biết, hiện, khối lượng rơm, phụ phẩm của trồng lúa sau thu hoạch của Việt Nam lên đến 43 triệu tấn/năm.

Bất ngờ: Thứ phụ phẩm mỗi mùa bị đốt bỏ khói um cả làng, nên Amazon bán 100 USD/tấn - Ảnh 1.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ rất lãng phí, lại gây ô nhiễm môi trường thì trên Amazon mỗi tấn rơm được rao bán với giá 80 - 100 USD/tấn. Ảnh: N.Chương.

Trên thực tế rơm có thể sử dụng được rất nhiều mục đích trong sản xuất của ngành nông nghiệp, như làm phân bón, làm đệm lót sinh học… 

Tuy nhiên, trong số 43 triệu tấn rơm thì chỉ có khoảng 23% được sử dụng trong chăn nuôi, còn đa phần là đang để phí hoài, chưa tái sử dụng được. Đây là tiềm năng lớn mà chúng ta chưa tận dụng hết" - ông Chinh cho biết.

Theo ông Chinh, muốn khai thác được nguồn phụ phẩm nông nghiệp rơm rạ, phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có hệ thống máy tuốt lúa, đồng thời cuốn được cả rơm, xử lý hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm để xuất khẩu. 

"Trên Amazon, mỗi tấn rơm được bán với giá 80 - 100 USD/tấn, như vậy, mỗi năm chúng ta đã đốt bỏ 2 - 3 tỷ USD" - ông Chinh nói.

Bà Hạ Thúy Hạnh cho biết, liên quan đến xử lý rơm rạ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một số dự án liên quan đến xử lý sau khi thu hoạch. Ngoài việc phối trộn làm thức ăn vụ đông, rơm có thể sử dụng chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể…từ đó nâng cao giá trị.

Bất ngờ: Thứ phụ phẩm mỗi mùa bị đốt bỏ khói um cả làng, nên Amazon bán 100 USD/tấn - Ảnh 2.

Trong số 43 triệu tấn rơm rạ thì chỉ có khoảng 23% được sử dụng trong chăn nuôi, còn đa phần là đang để phí hoài, chưa tái sử dụng được. Trong ảnh: Đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch ở Vũ Thư (Thái Bình). Ảnh: UBND huyện Vũ Thư.

Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ biến rơm thành sản phẩm xuất khẩu

Để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho biết, trong thời gian tới, ngành chức năng cần đưa cơ giới hóa đồng bộ vào trong hệ thống trồng trọt, vừa thu gom rơm vừa cắt lúa.

"Đồng bằng sông Cửu Long có thể áp dụng rất thuận lợi mô hình này" - ông Chinh nói.

Ngoài ra, ông Chinh cho biết, sẽ tăng cường hỗ trợ nông hộ, trang trại tận dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này theo mô hình hợp tác công tư (PPP).

Bà Hạnh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho nông dân thu gom, xử lý rơm hiệu quả.

"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đồng hành cùng người dân thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, để phế phẩm của ngành này đồng thời là nguyên liệu đầu vào sản xuất của ngành kia, đẩy mạnh việc tái chế sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, từng bước thay thế và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thế về phát triển thức ăn chăn nuôi. Cần có giải pháp về chính sách, trước hết là về vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai...

Theo ông Sơn, Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều, tuy nhiên chúng ta đang không những nhập thức ăn tinh mà nhập cả thức ăn thô. Về nhóm nguyên liệu giàu đạm cần thúc đẩy phát triển sản xuất bột cá.

Một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là gần như chúng ta phải nhập khẩu 100% các nguyên liệu khoáng và vitamin.

"Có thể chuyển một số giống lúa chất lượng cao sang một số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi, đưa ngô sinh khối, ngô biến đổi gen vào sản xuất làm nguyên liệu thức ăn. Thứ 2 chúng ta phải tăng diện tích trồng đỗ tương để chế biến thức ăn chăn nuôi. Diện tích trồng đỗ tương hiện nay chỉ đủ làm đậu phụ cho người dân ăn" - ông Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem