Ứng phó tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Chuyển sang nuôi gia súc, gia cầm?

Hải Đăng Thứ hai, ngày 04/10/2021 21:12 PM (GMT+7)
Trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao, Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT đã khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường chuyển đổi sang đối tượng vật nuôi sử dụng nguồn thức ăn trong nước như gia súc ăn cỏ, gia cầm... để giảm phụ thuộc vào thức ăn tổng hợp.
Bình luận 0

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Đến thời điểm này chưa có hy vọng gì về việc giá TĂCN sẽ giảm. Bởi lẽ hiện nay quá trình vận chuyển các nguyên liệu TĂCN về Việt Nam vẫn gặp trục trặc, chi phí vận chuyển các mặt hàng này tăng cao từ 200-300% so với trước.

"Do độ trễ của nguồn nguyên liệu TĂCN khoảng trên 1 tháng, với tình thế này, các tháng cuối năm có thể các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước sẽ điều chỉnh tăng giá bán khoảng 1 đến 2 đợt. Khi các hoạt động xuất nhập khẩu quay trở lại bình thường thì giá TĂCN mới có cơ hội giảm dần xuống" - ông Chinh nhận định.

Theo ông Chinh, Việt Nam đang có khoảng 265 nhà máy sản xuất TĂCN phục thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong đó có khoảng gần 30 doanh nghiệp chuyên về nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất thức ăn.

Ứng phó tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Chuyển sang nuôi gia súc,   gia cầm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phúc chăm sóc đàn gà đẻ tại gia đình ở Trực Hùng, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến

Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá TĂCN gồm cám lợn, các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp đều tăng từ 200 - 400 đồng/kg tùy loại; riêng các loại thức ăn đậm đặc tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Bình quân mỗi đợt giá tăng từ 7.000 - 8.000 đồng/bao 25kg.

Ông Chinh cho biết thêm, tính đến nay, số lượng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu về không có nhiều biến động mà vẫn giữ như mọi năm khoảng trên dưới 20 triệu tấn, gồm khoảng 9,5 triệu tấn ngô, 500.000 tấn thức ăn bổ sung, nguồn protein khoảng 2 triệu tấn...

Phản ánh với phóng viên, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất TĂCN phía Nam cho biết, dù đại dịch đã giảm nhiệt, một số tỉnh, thành đã lỏng giãn cách xã hội nhưng việc đi lại, lưu thông các mặt hàng nguyên liệu, TĂCN giữa các vùng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chi phí phát sinh (nhân viên lấy mẫu nguyên liệu phân tích, chi phí test, xét nghiệm PCR, chi phí hoạt động "3 tại chỗ" ở doanh nghiệp...) tăng rất cao cũng ảnh hưởng nhiều đến giá bán sản phẩm đầu ra.

Việt Nam nhập khẩu tới trên 90% nguyên liệu sản xuất TĂCN nên khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy hàng loạt chuỗi cung ứng, giá thành vận chuyển tăng cao. Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nam Bộ cho rằng: Từ nay đến cuối năm, giá TĂCN vẫn khó có khả năng giảm mà thậm chí có xu hướng tăng từ 3-5%, càng gây khó khăn và áp lực cho người chăn nuôi. Nguyên nhân chính là do nguồn cung nguyên liệu trên thế giới sụt giảm từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; các tác động của đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cộng thêm với nguồn cung trong nước còn hạn chế.

Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sẽ cần từ 28 - 30 triệu tấn mỗi năm, trị giá khoảng 13 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình từ 11 - 12% mỗi năm, trong đó hơn một nửa sản lượng sẽ dành cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất TĂCN, nguồn cung và giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới rất khó dự báo, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể tiếp tục làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

Được biết, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu, các nguyên liệu sản xuất TĂCN. Tới nay, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN (đối xử tối huệ quốc) của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, giảm thuế nhập khẩu của lúa mì xuống 0%, nhằm giảm chi phí sản xuất TĂCN.

Chuyển đổi sang đối tượng vật nuôi khác

Trước tình trạng giá TĂCN tăng cao, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: Trong chiến lược phát triển chăn nuôi, ngành hàng đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa sản lượng thịt lợn giảm xuống còn 60%, còn sản lượng gia cầm tăng lên 30% và gia súc ăn cỏ lên khoảng 10%. Như vậy, hai đối tượng là gia súc ăn cỏ và gia cầm có thể sử dụng tốt nguồn thức ăn trong nước như thóc, cỏ, phụ phẩm trồng trọt, một loạt các phụ phẩm qua chế biến rau quả.

Đồng thời thực hiện các chuỗi tuần hoàn trong nông nghiệp, trong đó có kết hợp chăn nuôi trồng trọt, thủy sản áp dụng giải pháp an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Qua đó có thể hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi và tận dụng tối đa nguồn nguyên vật liệu thức ăn trong nước.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết ngang thành hợp tác xã, chi hội sản xuất để mua TĂCN khối lượng lớn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, sẽ giảm được chi phí qua các khâu trung giang là các cấp đại lý bán thức ăn.

Theo ông Trọng, về lâu dài, Bộ NNPTNT đang có chính sách chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TĂCN như trồng ngô sinh khối ủ chua làm thức ăn cho chăn nuôi. Hiện đã chuyển đổi được 250.000ha, sắp tới sẽ chuyển đổi thêm 250.000ha và đến năm 2030 dự kiến sẽ chuyển đổi được 1 triệu ha. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem