Bỏ qua các điều kiện an toàn
Từ vụ cháy do rò rỉ khí gas ở cửa hàng gas Phú Vinh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) làm 2 người chết ngày 11.12, và trước đó không lâu là vụ nổ cũng do rò rỉ khí gas tại một gia đình ở phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) khiến 2 cháu nhỏ chết thảm, vấn đề đảm bảo an toàn trong việc kinh doanh gas của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ được đặt ra bức thiết.
|
Chất lượng gas và bình gas đang là vấn đề được nhiều khách hàng quan tâm vì sự an toàn của mình. Ảnh minh họa. |
Theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội, toàn thành phố hiện có hàng chục trạm sang chiết, nạp khí đốt hóa lỏng (gas) có trữ lượng lớn và trên 1.600 cửa hàng kinh doanh khí đốt, trong đó cơ sở tư nhân chiếm trên 90%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hầu hết các điều kiện an toàn bắt buộc đều bị các chủ cửa hàng, đại lý bỏ qua vì lợi nhuận, như diện tích cửa hàng quá nhỏ, chủ hộ sinh sống, ăn ở ngay tại cửa hàng gas...
Trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), trong một con ngõ ngoắt ngoéo, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hoàng N - nhân viên chuyên chở gas có thâm niên. Không muốn tiết lộ danh tính và địa chỉ làm việc, nhưng khi trò chuyện về hai vụ nổ bình gas tại Hà Nội vừa qua và được hỏi về thực trạng kinh doanh, buôn bán gas, anh N cho biết: Tôi đã từng làm việc ở nhiều cửa hàng. Các hộ kinh doanh này đều sang, chiết gas trái phép.
Các cửa hàng bán gas đều sang, chiết gas từ các bình gas giá thấp như Vạn Lộc, Gia Định, Shell (xanh lam), Total (vàng), Elf (đỏ)... Các chủ đại lý dùng niêm phong giả giống niêm phong chính hãng để chụp lên bình gas sang, chiết. Bán được một bình gas sang chiết, cửa hàng lời từ 50.000- 100.000 đồng.
Anh N cũng tiết lộ, các bình gas cũ không hề được đổi mới từ công ty sản xuất mà luôn được sử dụng quay vòng tại các cửa hàng hoặc hộ gia đình. Do bình gas xuống cấp nên độ an toàn giảm đi đáng kể bởi những gioăng cao su giữ kín gas sẽ hở, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Ngay cả các hộ kinh doanh cũng chủ yếu sử dụng cách làm thủ công đơn giản khi sang, chiết gas, không có thiết bị an toàn.
Anh Hoàng Văn Bình - chủ một cửa hàng gas trên phố Hoàng Ngân cho hay: “Nhiều trường hợp, các nhân viên chở gas còn… vặn hở gas ở bình hoặc bẻ van gas, hoặc trong khi sửa chữa lại lắp thiếu các chi tiết của bình gas, bếp gas để khách phải thay nhằm thu lợi”. Những việc này tạo nên nguy cơ tiềm ẩn khiến các chủ gia đình không chú ý hoặc không muôn thay thiết bị phải sống cùng “bom”.
May nhờ, rủi chịu
Chị Nguyễn Thị Minh Tuyết (78 Quán Sứ) cho biết: “Nhiều lần thấy nhân viên đại lý đưa bình gas cũ đến để thay, tôi có ý kiến nhưng họ nói rằng bình gas bảo đảm an toàn. Không những vậy, tôi còn được tư vấn để mua và lắp đặt van an toàn với giá hơn 500.000 đồng. Vốn không có hiểu biết về vấn đề này nên tôi lắp đặt và cũng tạm thấy an toàn. Còn trong quá trình sử dụng, có vấn đề gì xảy ra hay không thì tôi cũng… chịu”.
Thực tế, từ sau vụ nổ bình gas ở phố Tạ Quang Bửu, nhiều gia đình đã có tâm lý hoang mang và không còn tin tưởng vào việc sử dụng bếp gas. Anh Nguyễn Văn Anh (phố Nguyễn Lương Bằng) cho biết: “Tôi từng chứng kiến nhiều vụ nổ bếp gas du lịch do bếp, bình cũ, thiếu an toàn tại các quán ăn nên cũng không thực sự cảm thấy an toàn. Tôi đang dự tính sẽ chuyển sang sử dụng bếp điện hoặc bếp từ cho an toàn”.
Các gia đình sống cạnh cửa hàng kinh doanh, buôn bán gas trong các khu dân cư cũng phải chấp nhận thực tế “may nhờ, rủi chịu”. Chị Nguyễn Hồng Lê (phố Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Cũng biết là độ an toàn của cửa hàng kinh doanh gas bên cạnh chỉ ở mức độ tương đối, nhưng nếu không ở đây thì tôi cũng chẳng biết đi đâu, mà càng không thể góp ý để họ ngừng công việc kinh doanh”.
TP.HCM: Hàng giả trộn lẫn hàng thật
Theo nhận định của cơ quan chức năng, trên thị trường TP.HCM hiện có một số cửa hàng mua bán gas thật, giả lẫn lộn, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi mà còn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho người tiêu dùng. Gas giả thường tập kết ở các quận ven trung tâm như quận 12, quận 9… rồi sau đó tuồn vào thành phố.
Thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2011 đến nay trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra hàng chục vụ cháy nổ gas, nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng gas giả hoặc sang chiết gas trái phép tại nhà. Trong 10 tháng đầu năm 2011, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM cùng với công an kinh tế đã bắt giữ hơn khoảng 2.000 bình gas giả, phát hiện hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán khoảng 600 bình gas loại 12kg giả mạo nhãn hiệu và hơn 1.000 bình gas mini tái sử dụng.
Minh Châu
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.