Bất ổn ở Niger và nỗi lo xu hướng đảo chính quay lại châu Phi

Thứ năm, ngày 10/08/2023 18:18 PM (GMT+7)
Cuộc đảo chính diễn ra ở Niger vào ngày 26/7 đã đẩy quốc gia này vào tình trạng bất ổn. Bất chấp việc các thủ lĩnh cuộc đảo chính bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Ali Mahaman Lamine làm Thủ tướng mới và nỗ lực giải quyết vấn đề của Mỹ, mọi thứ vẫn rất bấp bênh.
Bình luận 0
Bất ổn ở Niger và nỗi lo xu hướng đảo chính quay lại châu Phi - Ảnh 1.

Ông Mohamed Toumba - thành viên chính quyền quân sự Niger tự xưng - dự cuộc mít tinh của những người ủng hộ tại Niamey ngày 6/8. Ảnh: AA/TTXVN

Theo tờ Gulf News ngày 9/8, có khả năng một nhóm quốc gia do Nigeria dẫn đầu có thể sử dụng vũ lực để đưa Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trở lại nắm quyền. Trong khi đó, quân đội Niger đã đóng cửa không phận, khiến tình hình càng thêm bất ổn.

Cuộc đảo chính ở Niger là cuộc đảo chính thứ 7 trên khắp Tây và Trung Phi trong vòng ba năm qua, đã làm dấy lên một loạt vấn đề vượt xa khỏi biên giới Niger, đặt ra những thách thức trong các lĩnh vực địa chính trị, kinh tế và an ninh, có khả năng gây bất ổn cho khu vực Sahel.

Tầm quan trọng chiến lược của Niger làm tình hình thêm phức tạp. Là nơi có trữ lượng urani đáng kể, quốc gia này đóng vai trò then chốt trong bối cảnh năng lượng toàn cầu, cung cấp 15% nhu cầu urani của Pháp và đóng góp 20% vào kho dự trữ urani của Liên minh châu Âu (EU).

Khó khăn kinh tế

Bất ổn ở Niger và nỗi lo xu hướng đảo chính quay lại châu Phi - Ảnh 2.

Ông Ali Lamine Zeine, lúc là Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Niger, trong cuộc họp báo tại Hội nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ) ngày 12/10/2008. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi có bất ổn ở Niger, đã xuất hiện những lo ngại về khả năng gián đoạn nhập khẩu urani cho các nhà máy hạt nhân ở các quốc gia châu Âu. Động thái sơ tán công dân nước ngoài của các nước châu Âu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng.

Mặc dù giàu tài nguyên, nhưng Niger gặp khó khăn kinh tế, luôn bị xếp nhóm những quốc gia nghèo mắc nợ nặng nề trên thế giới. GDP bình quân đầu người của nước này là 533 USD, trong khi mức trung bình toàn cầu là 12.633 USD vào năm 2022.

Niger có tình hình năng lượng bấp bênh, nhập khẩu 70% lượng điện từ Nigeria, khiến nước này càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài. Gián đoạn trong hoạt động điều hành và kinh tế do cuộc đảo chính có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương này và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực.

Mặc dù đấu tranh quyền lực có thể đã gây ra cuộc đảo chính ở Niger, nhưng nguồn gốc sâu xa lại bắt nguồn từ tâm lý bất bình với cách chính phủ quản lý và phản ứng với các mối đe dọa an ninh do các nhóm cực đoan như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra.

Các tổ chức trong khu vực, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), đã thực hiện các bước quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger, đình chỉ quan hệ với nước này và đóng cửa biên giới để củng cố trật tự hiến pháp trong khu vực.

Nigeria thậm chí đã ngừng xuất khẩu điện sang Niger. Thượng viện Nigeria đã khuyến cáo thận trọng về khả năng can thiệp quân sự vào Niger. Sự tham gia của Pháp và các tổ chức khu vực khác càng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã phức tạp ở Niger.

Bất ổn trên toàn lục địa

Bất ổn ở Niger và nỗi lo xu hướng đảo chính quay lại châu Phi - Ảnh 3.

Trung tá Amadou Abdramane (thứ 2, phải, hàng sau), thành viên Hội đồng Qquốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) Niger tới dự cuộc mít tinh của những người ủng hộ chính quyền quân sự tại Niamey, ngày 6/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quốc gia láng giềng Niger, như Burkina Faso và Mali, cảnh báo về động thái can thiệp quân sự. Chad và Algeria cũng phản đối can thiệp quân sự.

Các thể chế yếu kém, thiếu kiểm tra và cân bằng, thiếu cơ chế chuyển giao quyền lực hòa bình là những vấn đề tiếp tục ám ảnh nhiều quốc gia châu Phi. Cùng với tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế, những lỗ hổng này tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cuộc can thiệp quân sự.

Lợi dụng những bất bình về kinh tế và hứa hẹn về an ninh, các thủ lĩnh đảo chính thường lợi dụng mong muốn ổn định của người dân, thu hút sự ủng hộ của công chúng.

Cuộc đảo chính ở Niger góp phần vào một xu hướng đáng báo động: gia tăng các cuộc tiếp quản quân sự trên khắp châu Phi, khiến châu lục này không còn ở giai đoạn tương đối ổn định như đầu những năm 2000. Cuộc đảo chính ở Niger có các đặc điểm tương tự với các bất ổn chính trị xảy ra trên khắp châu Phi.

Mặc dù các nỗ lực đảo chính đã giảm sau năm 2000, nhưng những năm gần đây, các vụ đảo chính đã trỗi dậy, cho thấy tính dễ bị tổn thương của chính quyền ở các quốc gia châu Phi.

Ảnh hưởng đến hàng triệu người

Quan hệ liên minh chặt chẽ của Niger với Pháp và Mỹ cho thấy cuộc đảo chính ở nước này có ảnh hưởng quốc tế.

Châu Phi đã trở thành một chiến trường cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. Những cuộc đấu tranh quyền lực quốc tế này, cộng với tàn dư thuộc địa, đã thổi bùng xung đột nội bộ và tạo cơ hội cho các cuộc can thiệp quân sự.

Trong bối cảnh này, động lực của các cuộc đảo chính ở châu Phi, như cuộc đảo chính ở Niger, ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh quyền lực toàn cầu trong một thế giới lưỡng cực đang phát triển.

Trong khi người dân châu Phi mong muốn có chính quyền và quá trình phát triển ổn định, thì các nhà lãnh đạo châu Phi thường cân nhắc các lợi ích quốc tế khác nhau khi giải quyết các nhu cầu cấp thiết của người dân.

Cần phải nhận ra rằng hậu quả của các cuộc cạnh tranh địa chính trị này vượt xa các hoạt động chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và tương lai của hàng triệu người trên khắp châu Phi.


Báo Tin tức (baotintuc.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem