Bát phở có giá 300 nghìn đồng được chị Phạm Tr. chia sẻ trên mạng xã hội
Mới đây, câu chuyện được đăng tải trên facebook của cô gái có nick name P.T với nội dung: "Bát phở 300k của em đây. Bực ở Hà Nội 5 năm mà giờ bị chặt chém đẹp vậy...". Khi chị T thắc mắc, chủ quán giải thích giá cả là: 1 phở đùi 4 trứng non giá 200 nghìn còn 4 kê gà có giá 100 nghìn.
Khi đó, chị T hoảng hốt nói rằng mình từng ăn ở đây và không thể tin suất ăn vừa rồi có giá 300 nghìn. Cuối cùng chị vẫn phải trả số tiền như chủ quán đã thông báo.
Sau khi câu chuyện bát phở 300 nghìn của chị T. đã tạo thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng bát phở này quá đắt, khách hàng đã bị “chặt chém” quá cao so với giá trị thực.
Trao đổi với PV, chị P.T cho hay, trước đây mình cũng đã từng ăn ở quán này và gọi hai bát phở đùi với giá 120 nghìn, thấy hợp lý nên chị mới quay lại ăn.
“Tôi gọi một bát phở đùi với 4 quả kê, 4 quả trứng non, mỗi quả lớn bằng ngón chân cái. Ăn xong đứng lên gọi thanh toán thì cô ấy báo giá hết những 300.000 đồng. Tôi giật mình vì mức giá đó là quá đắt", chị T nói.
Khi hỏi lại, chị T được chủ quán giải thích rằng, riêng bát phở đùi gà có trứng, giá đã là 200.000 đồng. 4 quả kê gà, mỗi quả 25.000 đồng, tổng cộng hết 300.000 đồng.
Câu chuyện của chị T đã khiến dân mạng dậy sóng.
Không chỉ chị T mà đã từng có rất nhiều trường hợp khách hàng phản ánh đi ăn uống bị chủ nhà hàng tính giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Ông Vương Ngọc Tuấn, PCT Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho, khi gặp trường hợp bị “chặt chém”, khách hàng nên thông báo cho chính quyền địa phương gần nhất để được trợ giúp.
“Khách hàng phải chứng minh được chủ quán chặt chém dựa vào bảng giá niêm yết của cửa hàng để báo cơ quan chức năng. Trường hợp bát phở 300 nghìn, vì quán không đề giá, khách ăn cũng không thỏa thuận trước, rất khó xử lý”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, người tiêu dùng có thể cùng bảo vệ nhau bằng cách chia sẻ thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng. Cửa hàng “chặt chém” khách sẽ chịu một hình phạt nặng nề hơn, đó là sự tẩy chay của khách hàng.
“Chặt chém chắc khác gì hành vi ngang nhiên móc túi người khác. Người tiêu dùng trước tiên phải biết bảo vệ mình, sử dụng phải biết rõ chất lượng sản phẩm mình mua, người cung cấp, phương thức thanh toán ra sao, không để người bán lợi dụng”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Huy Chín, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 4, Quận Đống Đa cho rằng cần có những quy định cụ thể hơn để xử lý cửa hàng, quán ăn “chặt chém” khách.
“Việc chặt chém khách có thể coi là hành vi gian lận thương mại, gây bức xúc cho người dân. Nhưng các cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ, chủ yếu thỏa thuận miệng với khách hàng. Khách hàng thiếu cơ sở để khiếu nại. Chúng tôi thấy bất hợp lý tuy nhiên chưa tìm thấy quy định nào xử phạt cả”, ông Chín nói.
Theo quy định lập hóa đơn giá trị gia tăng của Bộ Tài chính, đối với trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên thì người bán phải lập hóa đơn, chứng từ cho người mua.
Đội trưởng đội quản lý thị trường số 4 cho biết, thực tế rất khó để vận dụng quy định này xem xét xử phạt cửa hàng “chặt chém” khách. Bởi ít ai đi ăn phở, quán ăn nhỏ mà lấy hóa đơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.