Bầu cử Mỹ: Từ góc độ kinh tế, Biden chắc chắn bại dưới tay Trump
Bầu cử Mỹ: Từ góc độ kinh tế, Biden chắc chắn bại dưới tay Trump
Thứ ba, ngày 03/11/2020 06:15 AM (GMT+7)
Trước thềm bầu cử Mỹ, công dân Mỹ có quyền lựa chọn: bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, người vừa dẫn dắt nền kinh tế đạt được quý tăng trưởng GDP nhanh nhất trong lịch sử; hoặc chọn Joe Biden, người giữ chức Phó Tổng thống Mỹ trong suốt 8 năm mà kinh tế Mỹ phục hồi chậm nhất kể từ thế chiến II.
Thành quả của kinh tế Mỹ giúp Trump tự tin trong cuộc bầu cử
Bộ Thương mại Mỹ tuần trước vừa công bố tăng trưởng GDP quốc gia quý III đạt 33,1%, một con số chưa từng có, gấp đôi mức kỷ lục trước đó là 16,7% vào năm 1950, hậu Thế chiến II. Như vậy, cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi khoảng 2/3 những gì bị mất trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm tuần thứ 9 liên tiếp vào cuối tháng 10 qua, hiện ở mức 751.000 đơn, thấp nhất kể từ hôm 14/3 - thời điểm trước khi đóng cửa kinh tế.
Sự tăng trưởng GDP vượt trội được thúc đẩy bởi chính chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, những lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế chứ không phải bởi chi tiêu chính phủ. Đây là cách mà một nền kinh tế lành mạnh tăng trưởng, với động lực chính từ khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải các khoản cứu trợ chính phủ. Đó cũng là điều mà chính quyền Trump khuyến khích, mong muốn hướng đến.
Thay vào đó, chính sách kinh tế mà ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden đề xuất lại tập trung vào phân phối lại thu nhập, thúc đẩy sự quản lý vi mô của chính phủ để đạt được cân bằng thu nhập, bình đẳng chủng tộc.
Có vẻ Biden đã sai lầm. Sự bình đẳng chủng tộc sẽ được thực hiện tốt nhất thông qua một nền kinh tế phát triển với mức lương cao hơn cho người dân như những gì Trump đã làm trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Năm 2019, khoảng cách thu nhập giữa người da trắng và người da đen đã chứng kiến sự thu hẹp đáng kể, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức kỷ lục trong 50 năm qua. Từ người da màu đến người có tiền án, tất cả đều có thể tìm được việc làm. Giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình da đen tăng 33% trong năm 2019, trong khi con số này ở người da trắng chỉ tăng 3%. Tỷ lệ sở hữu nhà ở của người da đen trong quý gần nhất đạt 46,4%, tăng đáng kể so với mức 41,7% hồi cuối năm 2016 - thời điểm ông Biden còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ. Đó là sự tiến bộ không thể phủ nhận.
Chỉ một tháng sau khi Tổng thống Trump đắc cử vào năm 2016, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm. Giờ đây, nó vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao 81,2, tăng từ mức 71,8 được ghi nhận hồi tháng 4, bất chấp sự suy thoái kinh tế sâu hồi quý II.
Có thời điểm, vào tháng 2 năm nay, sự lạc quan tiêu dùng tăng lên mức đỉnh 101 điểm, con số mà chính quyền Obama - Biden chưa một lần đạt được. Giới chuyên gia nhận định những tác động thuận lợi từ các chính sách kinh tế của chính quyền Trump đã giúp tâm lý tiêu dùng duy trì ở mức cao như vậy.
Biden duy trì quan điểm tăng thuế trong bối cảnh kinh tế lao đao: Lựa chọn ai?
Dưới thời Trump, tâm lý kinh doanh cũng trở nên lạc quan hơn. Chỉ một tháng sau khi Trump đắc cử, cuộc khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) về mức độ lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ đã ghi nhận kết quả cao nhất kể từ năm 2004.
Cho đến nay, các doanh nghiệp nhỏ - trụ cột của nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì tâm lý lạc quan bất chấp suy thoái. Chỉ số Lạc quan Kinh doanh NFIB tại Mỹ đã tăng lên 104 vào tháng 9, mức cao nhất kể từ hồi tháng 2 và cao hơn đáng kể so với bình quân trong dài hạn là 98,4. Đáng lưu ý, trong suốt 8 năm ông Biden giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, chỉ số này chỉ vượt mức 100 đúng một lần.
Tâm lý lạc quan sẽ tạo đà cho chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là điều mà Trump đang hướng tới để đưa kinh tế Mỹ trở lại thời kỳ vĩ đại thêm một lần nữa.
Nhưng quan điểm của Biden trái ngược hoàn toàn. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vật lộn để phục hồi sau đại dịch, Biden duy trì quan điểm tăng thuế, khôi phục các quy chế kinh doanh nghiêm ngặt và bóp nghẹt lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là dầu mỏ khí đốt). Thật khó để tưởng tượng điều gì tồi tệ hơn với một nền kinh tế vốn đã lao đao.
Chính sách của Biden rồi sẽ làm suy yếu doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nó. Ví dụ, người Mỹ đang trả bình quân 13 cent cho mỗi kW điện, trong khi người Đức phải trả 33 cent và người Nhật phải trả 22 cent. Lợi thế giá cả này sẽ hoàn toàn thay đổi khi Biden khuyến khích các ngành công nghiệp năng lượng sạch phát triển để thay thế cho dầu khí.
Trước khi đại dịch Covid-19 ập tới, Trump đã thành công xây dựng một nền kinh tế Mỹ thịnh vượng. Giờ đây, trước thềm bầu cử Mỹ, Trump mong muốn người Mỹ tin tưởng để lần nữa đưa kinh tế Mỹ trở lại thời kỳ vĩ đại đó. Còn Biden, trong suốt 47 năm phục vụ nước Mỹ với tư cách chính trị gia và 8 năm trên cương vị Phó Tổng thống, ông chưa để lại dấu ấn nào đặc biệt cho nền kinh tế. Nhưng lúc này, Biden lại yêu cầu cử tri tin rằng ông ta sẽ xây dựng một nền kinh tế tốt hơn thời Trump.
Sự lựa chọn có vẻ đã quá rõ.
(Bài bình luận của tác giả Liz Peek - cựu chuyên gia tập đoàn đầu tư Mỹ Wertheim & Company, nhà bình luận chính trị và nhà báo kỳ cựu nước Mỹ - đăng trên tờ The Hill).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.