Bầu Đức & Bầu Thắng: Khi Long An, HAGL bị "phó mặc" cho cấp dưới

Thứ ba, ngày 03/11/2020 19:10 PM (GMT+7)
Chiều 30/10, Long An đã thắng Đồng Tháp 1-0 trong trận "chung kết ngược" của giải Hạng Nhất 2020, qua đó trụ hạng thành công. Thế nhưng, cách mà họ trụ hạng khiến các CĐV chẳng thể vui nổi.
Bình luận 0

Có một câu chuyện “vui ra nước mắt”, các cầu thủ từng khoác áo Long An rủ nhau về Tân An để cổ vũ cho đội bóng cũ. Đúng, không chỉ cầu thủ mà các CĐV cũng chưa bao giờ nghĩ đến cảnh tượng đội bóng từng là thế lực hàng đầu tại Việt Nam, giờ lại "đuối" tại giải Hạng Nhất và chỉ có thể trụ hạng thành công đúng ở vòng cuối cùng.

Bầu Đức & Bầu Thắng: Khi Long An, HAGL bị "phó mặc" cho cấp dưới - Ảnh 1.

Dưới trướng của bầu Thắng, CLB Long An từng có quá khứ lừng lẫy tại V.League nhưng hiện giờ thì…

Thật sự quá đau lòng với NHM Long An. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào khi họ luôn phải sống trong cảnh "èo uột", không đủ kinh phí để hoạt động... trong nhiều năm trở lại đây.

Bước  ngoặt lớn đến từ năm 2015, khi công ty cổ phần phát triển bóng đá Long An ra đời trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Từ Gạch Đồng Tâm Long An rồi Đồng Tâm Long An, đội bóng đã được đổi tên thành Long An. 

Chuyển đổi cái tên, người ta hiểu, đội bóng dưới sự đầu tư của Tập đoàn của ông bầu Võ Quốc Thắng đã được trả lại cho tỉnh nhà. Sau “vết nhơ” trên sân Thống Nhất hồi năm 2017, Long An như bị đánh sụm và phải trôi xuống hạng Nhất. Kể từ đó, Long An chỉ còn được duy trì, ngồi cho “đủ mâm” bởi họ không động lực, không tham vọng…

Lần lượt những cầu thủ tốt nhất của bóng đá Long An ra đi, hoặc được gả bán. Long An phải sống trong cảnh “giật gấu vá vai” do ngân sách hạn chế. Lúc này có thể nhiều người sẽ hỏi, bầu Thắng đi đâu mà để đội nhà thê thảm như vậy?

Bầu Đức & Bầu Thắng: Khi Long An, HAGL bị "phó mặc" cho cấp dưới - Ảnh 2.

Ngày bầu Thắng ra đi cũng là thời điểm mà thế lực Gạch Đồng Tâm Long An một thời tại V. League bắt đầu xuống dốc không phanh.

Hỏi như thế thật khó cho bầu Thắng và có lẽ ông bầu này cũng từ chối trả lời những câu hỏi tương tự. Năm 2011, bầu Thắng trúng cử chức Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị điều hành các giải đấu V.League hay hạng Nhất bây giờ. Ông Thắng mang theo hoài bão sẽ giúp bóng Việt Nam bước sang một trang mới. Rồi mọi thứ không như mơ, sau 2 nhiệm kỳ bầu Thắng rời ghế trong nỗi buồn vô tận và cả những sự uất ức.

Dân trong nghề nói, bầu Thắng không còn màng đến bóng đá, không còn màng đến Long An nữa. Đứa con tinh thần ấy được phó mặc cho người em trai Võ Thành Nhiệm. Nhà vô địch V.League 2005, 2006 cứ thế rơi tự do và bây giờ ngụp lặn ở nhóm cuối giải Hạng Nhất.

Bầu Thắng, bầu Đức cùng các ông bầu khác cùng chung tay mở ra một thương hiệu cà phê mang tên “ông Bầu”. Các ông Bầu bắt tay làm bóng đá cộng đồng, giải đấu cho sinh viên… mà không quan tâm đến các giải chuyên nghiệp đá đấm như thế nào.

Bầu Đức và Bầu Thắng được xem là những người “vỡ hoang” cho bóng đá Việt Nam với cách làm, công thức làm vô cùng táo bạo. Bầu Đức và Bầu Thắng từng giúp bóng đá Việt Nam tạo ra những trận “siêu kinh điển”. Họ cũng là những “công thần” đưa bóng đá Việt Nam chạm tới những đỉnh cao của vinh quang. 

Bầu Thắng từng tài trợ vô điều kiện để HLV Henrique Calisto đưa ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008. Một thập kỷ sau, từ niềm cảm hứng Học viện HAGL-JMG, bóng đá Việt Nam sang một trang khi cùng HLV Park Hang – seo liên tiếp viết lên những kỳ tích. Rõ ràng, những gì mà Bầu Đức, Bầu Thắng làm được, xứng đáng được đưa vào cuốn biên niên sử bóng đá nước nhà.

Bầu Đức & Bầu Thắng: Khi Long An, HAGL bị "phó mặc" cho cấp dưới - Ảnh 3.

Bầu Thắng hay bầu Đức đến giờ vẫn được xem là những cá nhân góp công đầu cho sự đi lên của bóng đá Việt Nam, nhưng hiện thời có vẻ tình yêu của họ dành cho bóng đá đã rất khác so với hơn chục năm trước đây.

Bầu Thắng và Bầu Đức vẫn là “người tình” bóng đá như họ thừa nhận. Chỉ có điều, cách họ yêu, họ thích đã rất khác so với ngày xưa. Cũng khó để trách cớ bởi bây giờ, họ phải dành đa số thời gian để tính “cơm áo gạo tiền” cho hàng nghìn công nhân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Bóng đá vì thế không còn là thú chơi thời thượng. Mà thật ra, bóng đá chẳng những không giúp họ kiếm ra tiền. Trái lại, đôi khi nó khiến mọi thứ trở nên muộn phiền và nhức đầu bởi những nguyên do chủ quan và cả khách quan.

Kể từ năm 2003 đến nay, HAGL chưa bao giờ xuống hạng. Còn Long An đã đôi lần phải xuôi đò xuống hạng nhất. Cả 2 đội bóng “đại gia” một thời giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình. Hoặc như HAGL sở hữu nhiều “cầu thủ quốc dân” cũng dành cả thanh xuân để trụ hạng.

Bầu Đức & Bầu Thắng: Khi Long An, HAGL bị "phó mặc" cho cấp dưới - Ảnh 4.

Trong khi dàn cầu thủ quốc dân cuẩ HAGL "dành cả thanh xuân để trụ hạng" thì rất có thể bạn tranh đấu ngai vương một thời của họ cũng chỉ mong trụ lại Hạng Nhất mùa tới.

Hữu Ký (Theo Cầu Thủ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem