“Bầu sữa” hàng xóm

Thứ ba, ngày 11/12/2012 19:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến chiều qua, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki được dẫn lời cam kết: Trong cả năm tài chính này, Nhật Bản sẽ có thể cung cấp khoản viện trợ khoảng 2,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số cam kết 1,9 tỷ hồi cuối năm ngoái.
Bình luận 0

Hình như niềm vui trước con số tài trợ khổng lồ đã khiến tất cả đã quên rằng: Không bao giờ là đồng tiền chùa, “ODA là tiền thuế của nhân dân các nước, và là tiền nợ của nhân dân Việt Nam”- đây là phát ngôn nổi tiếng của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân tại Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ năm 2006. Bây giờ, sau gần 20 năm qua tiếp nhận vốn ODA, Việt Nam mới bắt đầu xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn, trong quan niệm của nhiều người, như là một thứ “của chùa” này.

Đến tháng 6.2010, trong phiên chất vấn của QH, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt vấn đề: "ODA là khoản vay có điều kiện của nước giàu đối với nước nghèo, thực chất là phương thức đầu tư tài chính, công nghệ và chính trị mang lại lợi ích cho chủ nợ. Việc vay vốn ODA là cần thiết, nhưng chỉ nên coi là nhất thời, giống như đứa trẻ cần bú sữa mẹ, vú nuôi hoặc xin sữa hàng xóm. Các nước đều nỗ lực giảm vay ODA, giống như đứa trẻ cứng cáp cần cai sữa mẹ”. Ông thẳng thắn chất vấn Chính phủ về việc: “Đã có kế hoạch "cai" ODA hay chưa?".

"Bú sữa hàng xóm đúng là khó đấy” - đại diện Chính phủ, khi đó là Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: “Chúng ta vay thực tế có chịu ràng buộc và có thiệt về kinh tế. Song tính chung lại, đánh giá các mặt cho thấy sử dụng vốn ODA là có hiệu quả". Và theo ông, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam vẫn phải tranh thủ nguồn ODA càng dài càng tốt.

Hẳn nhiều người sẽ chưa quên nỗi xấu hổ khi “chủ nợ ODA” Nhật Bản ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi cử tri Nhật phẫn nộ và ngay lập tức yêu cầu Quốc hội chất vấn Chính phủ Nhật về việc quản lý và sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân sai mục đích ở Việt Nam sau các scandal PMU18 và “quả bom” tại đại lộ Đông Tây.

Nhưng vụ PMU18 năm 2006 hóa ra chỉ là sự bắt đầu và án tù 20 năm cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ chỉ là sự tiếp nối. Những công bố sau đó của Thanh tra Chính phủ tại các dự án sử dụng ODA như “Cầu Thanh Trì”, “Nam vành đai III Hà Nội”, hay “Thủy lợi Phước Hòa”, “Cải tạo Cảng Hải Phòng”… đang cho thấy có những sai phạm lớn hơn rất nhiều so với con số “11,4 tỷ đồng” tạo ra “cú sốc Đan Mạch”.

“Đứa trẻ” Việt Nam chưa thể xa rời bầu vú hàng xóm. Đó là một điều xấu hổ. Và sự xấu hổ chỉ có thể chấm dứt khi một đứa trẻ, đã mọc râu và miệng đầy răng - biết xấu hổ, chứ không phải hân hoan, với việc “bú sữa hàng xóm” hoặc ít nhất cũng phải bắt đầu bằng việc chấm dứt quan niệm ODA là “của chùa” để có thể mặc sức vầy vò.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem