Bầu trời Việt - nơi B52 gãy cánh

Khánh Gia Thứ sáu, ngày 22/12/2017 06:11 AM (GMT+7)
Sau 45 năm kể từ thời điểm quân và dân thủ đô Hà Nội hạ gục hàng loạt siêu pháo đài bay B52 của không quân Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã kết luận chiến thắng của quân và dân thủ đô trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 như là một trận “Điện Biên Phủ trên không”.
Bình luận 0

Bắt mạch dã tâm địch

Cuối tháng 12.1972, không quân Mỹ đã dùng máy bay chiến lược B52 tấn công ra thủ đô Hà Nội. Nhưng từ nhiều năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ sử dụng tới con bài chiến lược - máy bay ném bom B52 để đánh ta một ván bài cuối cùng.

Theo hồi ức của Thượng tướng Phùng Thế Tài - nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ), năm 1965, đế quốc Mỹ tăng quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52 trên chiến trường. Trong một lần đến thăm đơn vị phòng không Hà Nội, Bác dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “B” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” .

img

 Tên lửa SAM 2 -  vũ khí bí mật tiêu diệt pháo đài bay B52.ảnh: Internet

Thực hiện lời dạy của Bác, Quân chủng PKKQ đã tập trung mọi nỗ lực phát triển lực lượng nhanh chóng, tập trung chỉ đạo nghiên cứu nghệ thuật tác chiến đánh bại từng bước leo thang của địch trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhưng chưa có điều kiện tổ chức nghiên cứu đánh B52.

Tháng 5.1966, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị Quân chủng PKKQ cho Trung đoàn Tên lửa 238 cơ động vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) nghiên cứu cách đánh B52. Từ đó, chúng ta luôn duy trì một lực lượng ở chiến trường để đánh B52 với phương châm vừa đánh địch vừa nghiên cứu địch…

Năm 1967, không quân địch tổ chức nhiều đợt đánh phá tập trung tại Hà Nội, Hải Phòng, bộ đội PKKQ đã đánh nhiều trận thắng lợi lớn. Đặc biệt, ngày 19.5.1967 - ngày sinh nhật Bác Hồ, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 13 máy bay địch. Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ, Bác lại dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Sau những thất bại  trên chiến trường miền Nam, bị dư luận quốc tế lên án về cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam, để vớt vát được chút thể diện nhằm mục đích mặc cả với chúng ta trên bàn đàm phán tại Paris, đêm 18 rạng sáng 19.12.1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh cho pháo đài bay B52 của không quân Mỹ bất ngờ tập kích Hà Nội, đúng như những gì Hồ Chủ Tịch đã dự đoán nhiều năm trước.

Dệt lưới lửa đợi địch

- B52 sải cánh 56,39m; dài 40,05m; cao 12,4m; 8 động cơ
- Khối lượng cất cánh tối đa 221,35 tấn
- Tầm bay: B-52G tới 12.000m, B-52H tới 16.000m so với mặt đất
- Bay ở độ cao 15km so với mặt biển
- Kíp bay 6 người
- Mang tới 30 tấn bom

Năm 1972, tất cả các loại vũ khí thông thường rất khó có thể chạm vào B52, nhưng chúng ta đã làm cho địch trở tay không kịp bằng những đòn đánh hiệu quả đến bất ngờ với những cải tiến sáng tạo đạt hiệu quả cao.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PKKQ, trong chiến dịch 12 ngày đêm, hệ thống tên lửa SAM 3 chưa kịp đưa về Việt Nam nên chúng ta chỉ sử dụng SAM 2 để đánh B52.

“Chúng ta có một số cải tiến trên SAM2 nhưng việc “nối tầng” tên lửa là thông tin không đúng" -  Tướng Phiệt nói và giải thích: Ngày 1.5.1960, phòng không Liên Xô đã sử dụng tên lửa SAM 2 để bắn hạ một máy bay trinh thám tầng cao U-2 của Mỹ ở độ cao 20km. Trong khi đó B52 bay vào đánh phá Hà Nội thường chỉ bay ở độ cao 11-12km để đảm bảo thả bom chính xác, do vậy việc “nối tầng” để hạ B52 là không cần thiết. Những chi tiết ta cải tiến trên tên lửa SAM 2 là cải tiến phần đầu nổ để các mảnh nổ sẽ bung ra nhiều hơn, dẫn đến xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn…

Để thả bom chính xác các mục tiêu, B52 bắt buộc phải bay theo những đường bay cố định. Lợi dụng điểm yếu này, Việt Nam đã bố trí các trận địa tên lửa tập trung đánh vào những đường bay cố định của B52. Do vậy xác suất tiêu diệt B52 của SAM 2 đã tăng lên đáng kể.

"Các yếu tố làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không chính là làm tốt các khâu từ chuẩn bị kỹ thuật khí tài, yếu tố tinh nhanh và sáng tạo của bộ phận trắc thủ cũng như tư duy về chiến thuật trong công tác nghiên cứu địch và phương pháp bố trí trận địa để đánh địch. Điều đó cho thấy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất làm nên sức mạnh Việt Nam" - Trung tướng Phiệt chia sẻ.

Khi những pháo đài bay B52 bất ngờ tập kích Hà Nội, không quân Mỹ đã không ngờ được rằng họ đã được hệ thống phòng không của chúng ta đón tiếp bằng những bệ phóng tên lửa SAM 2. Những ống phóng tên lửa này, cộng với hệ thống pháo phòng không được đặt trên các khu tập thể cao tầng của Hà Nội, dưới sự điều khiển của bộ đội phòng không Việt Nam được ví như những con rồng lửa chọc trời, thực sự dệt nên lưới lửa khiếp sợ, phá tan những pháo đài bay B52 kiêu ngạo của không quân Mỹ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem