Bầu Tú - "Kiến trúc sư trưởng" của futsal Việt Nam, giàu cỡ nào?

PV Thứ tư, ngày 26/05/2021 14:10 PM (GMT+7)
Bầu Tú chính là người nâng tầm Việt Nam và cũng là "kiến trúc sư trưởng" đưa môn thể thao trong nhà này của Việt Nam vươn tầm châu Á, rồi mới đây có lần thứ 2 dự VCK World Cup Futsal...
Bình luận 0

Từ Thượng uý Quân đội đến "chúa sơn lâm" của Futsal Việt Nam

Dư luận từng tranh cãi dữ dội liên quan đến những người đứng đầu nền bóng đá Việt Nam. Cụ thể, một số ông bầu phản đối gay gắt việc Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) ông Trần Anh Tú kiêm nhiệm cùng lúc nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Trưởng Ban điều hành V.League, Chủ tịch HFF..., và tranh cử vị trí phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phụ trách tài chính.

Bầu Tú - "Kiến trúc sư trưởng" của futsal Việt Nam, giàu cỡ nào? - Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tú thay ông Võ Quốc Thắng làm Chủ tịch VPF từ cuối năm 2017.

Không ít ý kiến băn khoăn ông Trần Anh Tú là ai mà có quyền lực lớn đến vậy trong làng túc cầu Việt, vốn là nơi quy tụ những đại gia, doanh nhân có tiếng. Rốt cục, trước những sức ép rất lớn, bầu Tú quyết định rút khỏi cuộc đua vào vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính.

Vậy bầu Tú là ai mà lại nằm trong nhóm những nhân vật quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam? 

Theo tiết lộ, ông Trần Anh Tú là một doanh nhân thành đạt, Chủ tịch HĐTV của công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện, đồng thời là ông bầu của đội tuyển Futsal Việt Nam (bóng đá trong nhà).

Nếu như bầu Đức được ví như người đỡ đầu của bóng đá trẻ Việt Nam thì bầu Tú được ghi nhận như một bầu Đức thứ hai, ở lĩnh vực futsal.

Ông Trần Anh Tú sinh ngày 21/1/1963, tại Nghi Hải, Cửa Lò, Nghệ An.

Ông từng tham gia phục vụ quân đội trong 10 năm (từ 1979 - 1989), mang hàm cao nhất là Thượng uý, giáo viên Trường Kỹ thuật Công binh (Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng). Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1988.

Sau khi rời khỏi quân ngũ, ông Tú có 1 năm làm nhân viên phụ trách ánh sáng tại Nhà hát Kịch Việt Nam - Bộ Văn hóa, trước khi bắt đầu làm việc trong môi trường tư nhân ở Công ty Lidisaco và Công ty Vận tải biển Phú Yên - Hà Nội trong giai đoạn 1991-1992.

Cuối năm 1992, ông quyết định vào TP.HCM lập nghiệp với vị trí Trưởng phòng Dự án Công ty Tư vấn và Đầu tư chuyển giao Công nghệ Investconsult.

Tháng 3/1997, ông Trần Anh Tú tách ra làm riêng và thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Lợi, nơi ông đứng tên Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc.

Sau đó, ông liên tiếp thành lập và đứng tên Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam và Công ty TNHH Thương mại thiết bị điện Thái Sơn Bắc, với ngành nghề kinh doanh chính là phân phối thiết bị điện.

Doanh nhân gắn với tên gọi thân mật bầu Tú từng chia sẻ, công việc kinh doanh nhanh chóng đi vào ổn định giúp ông theo đuổi đam mê bóng đá, nhưng nguồn lực ban đầu có hạn nên ông quyết định đầu tư vào Futsal, với việc thành lập các câu lạc bộ Thái Sơn Nam hay Thái Sơn Bắc.

Bắt đầu từ năm 2008, ông Tú bắt đầu tham gia chính trường bóng đá Việt Nam với các chức vụ Phó Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF), Uỷ viên Ban Futsal Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). 4 năm sau, năm 2012, ông Trần Anh Tú được bầu làm Chủ tịch HFF, và đến năm 2014 được bầu làm Uỷ viên thường trực VFF phụ trách mảng Futsal.

Hiện nay, ông Tú là một trong những lãnh đạo có vị trí quan trọng bậc nhất trong làng bóng đá Việt, với việc kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức vụ cao. 

Mặc dù là một doanh nhân thành đạt nhưng ông Tú được dư luận đánh giá là mê bóng đá hơn cả công việc kinh doanh của mình.

Báo chí nhận định, cái cách ông Tú đến với futsal cũng rất căn cơ, giống như cách ông đi từ vị trí nhân viên phụ trách ánh sáng đến doanh nhân thành đạt.

Futsal của ông Tú đã khởi phát từ hơn 10 năm trước, đi từ phong trào dần lên chuyên nghiệp. Đam mê bóng đá, nhưng vì thoạt đầu mô hình công ty Thái Sơn Nam quá khiêm tốn nên ông đành phải đầu tư cho futsal.

Còn nhớ, hơn mười năm trước, khi futsal vẫn là môn thể thao xa lạ với người Việt Nam, ông Tú đã xắn tay vào gây dựng phong trào và tạo nên tên tuổi Thái Sơn Nam - một đội bóng lừng lẫy hàng đầu của Futsal Việt.

Bầu Tú - "Kiến trúc sư trưởng" của futsal Việt Nam, giàu cỡ nào? - Ảnh 2.

Trụ sở của Thái Sơn Nam tại KĐT Him Lam, Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM

Chính ông cũng là người mạnh dạn để cho thủ môn Đặng Phước Anh (Thái Sơn Nam) sang “nằm vùng” ở Thái Lan để học tất cả những cái hay của người Thái đem về áp dụng cho Futsal Việt Nam.

Và cũng giống như đường hướng của bầu Đức, thời gian đầu ông Tú cũng tin dùng HLV Thái Lan, nhưng đến khi nhận thấy HLV người Thái không thể giúp Futsal Việt Nam thoát xác, ông Tú lại lặn lội khắp nơi, từ Brazil đến Tây Ban Nha, chấp nhận chi bộn tiền để có được HLV giỏi.

Kết quả, bầu Tú cũng được nếm trái ngọt khi đội tuyển Futsal Việt Nam đã có chiến thắng đầu tiên trên đất Tây Ban Nha khi đánh bại CLB UMA của Malaga ngày 24/8/2016 và cống hiến cho khán giả nhiều trận đấu nghẹt thở như trận tứ kết thắng Nhật Bản 5-4 ở VCK futsal châu Á 2016, qua đó đoạt vé dự VCK World Cup Futsal 2016, rồi trận thắng Indonesia 4-3 ở bảng A, giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2017 và mới đây là 2 trận đấu nghẹt thở với Lebanon để lần thứ 2 đến với VCK World Cup Futsal...

Trong vị thế của trưởng đoàn Futsal Việt Nam, ông Tú không chỉ lo một phần kinh phí cho đội tuyển mà còn được biết đến như một vị quản gia sẵn sàng xách giỏ đi chợ, xắn tay vào bếp nấu ăn cho các cầu thủ con cưng của mình.

Niềm đam mê bóng đá của bầu Tú còn thể hiện khi vào thời điểm nhậm chức Chủ tịch công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thay ông Võ Quốc Thắng hồi cuối năm 2017, ông đã đăng đàn trả lời báo chí rằng ông đi với bóng đá suốt, việc kinh doanh đã có người khác lo.

"Hai công ty Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc của tôi đã rất nề nếp rồi nên tôi cũng không quá bận lòng với nó. Tôi đi với bóng đá suốt, còn công việc kinh doanh ở công ty đã có các cộng sự đắc lực quán xuyến" – bầu Tú nói.

Bầu Tú giàu cỡ nào?

Cũng là một doanh nhân đi làm bóng đá như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng..., song người ta chưa biết nhiều về khối tài sản của ông Trần Anh Tú.

Theo tìm hiểu, hạt nhân trong hệ thống doanh nghiệp của bầu Tú là Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam có trụ sở tại KĐT Him Lam, Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM. Thái Sơn Nam thành lập năm 2003, là nhà phân phối độc quyền thiết bị điện của hãng LS (từng thuộc Tập đoàn LG) từ Hàn Quốc. Năm 2007-2008, Thái Sơn Nam được LS công nhận là nhà phân phối thiết bị điện LS lớn nhất toàn cầu.

Theo giới thiệu tại website công ty, Thái Sơn Nam năm 2013 có doanh thu 500 tỷ đồng, tổng tài sản 150 tỷ đồng. Công ty do bầu Tú làm Chủ tịch HĐTV có 100 nhân viên, trong đó 20 người là cử nhân, kỹ sư.

Ở miền Bắc, bầu Tú năm 2006 cũng đã thành lập Công ty TNHH Thương mại Thiết bị điện Thái Sơn Bắc, có trụ sở tại P. Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.

Công ty Thái Sơn Bắc có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trong đó ông Trần Anh Tú là cổ đông sáng lập và từng góp 2,375 tỷ đồng, tương đương 23,75%. Tuy nhiên ông Tú cuối năm 2015 đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho ông Bùi Đình Tế, người hiện đang đứng tên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Thái Sơn Bắc.

Cũng trong tháng 12/2015, ông Trần Anh Tú đã trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Thuốc lá Cao Bằng - một doanh nghiệp có vốn điều lệ 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thành Lợi - doanh nghiệp đầu tiên được ông Tú thành lập có số vốn khá khiêm tốn, chỉ là 1,5 tỷ đồng, trong đó ông Trần Anh Tú chiếm 90%, tương đương 1,35 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực thể thao, ông Trần Anh Tú hiện sở hữu 80% vốn, tương đương 16 tỷ đồng trong Công ty CP Thể thao Thái Sơn Nam...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem