Báu vật cổ “độc nhất vô nhị” ở Quảng Trị

Thứ bảy, ngày 12/03/2016 13:28 PM (GMT+7)
Bản khoán ước còn lưu giữ ở Phú Kinh, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng được xem là khoán ước sớm nhất tại Quảng Trị. Nhằm phát huy giá trị của báu vật, người dân đã đưa vào đình làng cất giữ ở nơi trang trọng nhất.
Bình luận 0

Nhiều nội dung khắc trên khoán ước còn nguyên giá trị trong đời sống hiện đại, được bao thế hệ người dân địa phương trân trọng, làm theo.

Giải mã nội dung khoán ước

Sau cuộc trao đổi ngắn, ông Hồ Xuân Tháp, Bí thư chi bộ thôn Phú Kinh dẫn chúng tôi ra đình làng cách đó vài trăm mét. Đây là nơi đang cất giữ bản khoán ước cổ mà người dân địa phương luôn xem đó là báu vật của làng. Thấy chúng tôi tò mò về những lỗ thủng, vết xước trên tấm gỗ, ông Tháp giải thích: “Những lỗ thủng ấy là do chịu tác động của bom đạn thời chiến tranh để lại. Phiến gỗ này đã có tuổi thọ 240 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn, qua sự bào mòn của thời gian vẫn không bị mối mọt, hư hỏng gì”.

img

Bản khoán ước được khắc bằng chữ hán, trên tấm gỗ lim

Theo cụ Nguyễn Hữu Yêm (78 tuổi, bậc cao niên trong làng) thì trước năm 1945, bản Khoán ước Phú Kinh được dựng tại đình làng. Sau đó, đình làng đổ nát do bị bom, đạn giặc Pháp rồi giặc Mỹ tàn phá nên người làng mới mang bản Khoán ước cất giấu ở miếu khai canh. Ngày đất nước thống nhất, người làng trở về làm ăn sinh sống trên đất làng và nhiều lần tiến hành trùng tu, tôn tạo miếu khai canh đã nhìn thấy phiến gỗ lim dài 2,4 m, rộng 0,35m, dày 0,06 m khắc đầy chữ Hán.

Lúc ấy, do người làng không ai biết chữ Hán nên không hiểu nội dung ghi chép những gì. Nhiều người làng với suy nghĩ phiến gỗ ghi dày đặc chữ Hán kia chắc có ý nghĩa lịch sử gì đó có liên quan đến làng, đến xã nên họ cẩn thận cất giữ.

Ông Nguyễn Lê Hồng, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Phú Kinh, cho biết: Ý nghĩa trên phiến gỗ chỉ được “hé lộ” vào năm 1987, khi đoàn giảng viên, sinh viên Khoa Sử (Trường ĐH Tổng hợp Huế nay là Trường Đại học Khoa học Huế) trong chuyến điền dã để nghiên cứu gia phả tộc họ cũng như lịch sử hình thành, phát triển hệ thống làng, xã của các tỉnh miền Trung đã về vùng “chiêm trũng” Hải Hoà tìm thấy và tiến hành dịch thuật.

Qua bản dịch toàn văn nội dung ghi trên phiến gỗ thì người làng mới biết đó là bản Khoán ước do các viên chức, hương lão của làng soạn thảo vào ngày cốc nhật, thượng tuần tháng cuối mùa hạ năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng - năm 1774. Nội dung khắc trên khoán ước là các quy định về phân chia ruộng đất “vĩnh nghiệp” (ruộng đất được sở hữu đời đời) cho dân nghèo; khuyến học, khuyến tài; giữ gìn an ninh trật tự và nếp sống văn minh…

Bản khoán ước gồm gần 5.000 chữ Hán, khắc theo lối chữ chân, quy định rõ ràng về lệ tục của làng, có thể chia thành nhóm nội dung khuyến nông, khuyến học, an ninh trật tự và tình làng nghĩa xóm.

Ông Nguyễn Lê Hồng cho chúng tôi xem một bản dịch nội dung Khoán ước. Thật ngạc nhiên, trong bối cảnh lịch sử của thế kỷ XVII dưới chế độ phong kiến khi vua, chúa, quan lại không ngừng vơ vét, bóc lột của người dân lao động “thấp cổ, bé họng” bằng chính sách tô thuế hà khắc để phục vụ cho lòng tham vô đáy của mình mà các viên chức, hương lão thôn Phú Kinh đã xây dựng nên khoán ước với niềm mong muốn về xã hội văn minh, công bằng, tình thương và lẽ phải.

Nhiều quy định còn nguyên giá trị trong đời sống ngày nay

img

Khoán ước cổ được đặt trang trọng tại đình làng

Khoán ước Phú Kinh ghi: “…việc quân cấp công điền thì hai bậc viên quan, viên chức ở trên chiếm trước đến bọn dân thường hạng ba phải cam chịu bậc dưới, phải nhận phần ruộng đất đá sỏi, hoang vu nên dù có ra sức cày cấy cũng không đủ nộp thuế, thậm chí phải bán vợ, đợ con đến nỗi bỏ làng ra đi trở nên thất nghiệp. Cái tệ nạn không công bằng ấy, không cần phải chờ đợi sự phân tích cũng thấy đủ rồi”.

Khoán ước chỉ ra cách giải quyết với nhiều quy định khá chặt chẽ như: “Nay viên chức hàng xã họp bàn, phỏng theo phép tắc xa xưa, lấy những nơi ruộng đá sỏi chia đều cho mọi người dân lớp dưới để họ được làm chủ đời đời, cha truyền con nối, anh chết em thay, khuyên nhau cày cấy chuyên cần để số ruộng đất đá sỏi, cằn cỗi ấy trở nên ruộng tốt. Như thế thì đồng ruộng được mở rộng ra, bảo đảm thuế khoá cho nhà nước, nhân dân sẽ no đủ, việc tiêu dùng hàng ngày nhờ đó cũng dễ dàng hơn”...”Lệ ruộng “vĩnh nghiệp” được đặt ra trên dưới đều bình đẳng, mỗi người nhận một phần”... Ruộng ấy, lưu truyền mãi mãi, cha chết con kế thừa, anh qua đời em nối nghiệp.

Bên cạnh việc phân chia lại ruộng đất “vĩnh nghiệp” đảm bảo sự công bằng cho người dân trong làng thì Khoán ước Phú Kinh có các quy định về khuyến học, khuyến tài thể hiện sự chú trọng, quan tâm đến việc học hành con em người làng: “Việc du học của con em trong xã thì từ 15 tuổi trở lên cứ ba năm một kỳ mở lớp sát hạch. Tuỳ theo mức độ cao thấp mà đánh giá kết quả. Còn như con em trong làng nên cố gắng trau dồi lễ nghĩa, ra sức kiệm cần, con trai bắt đầu từ 7,8 tuổi nên dạy dỗ ở bậc Tiểu học, lấy trung hiếu làm đầu, càng lớn dần thì càng cố gắng nỗ lực học tập tiến bộ. Còn những đứa trẻ ngây ngô, ngọng liệu thì khuyên học tập việc nông trang, không nên lười biếng”.

Để gìn giữ nếp sống văn minh, giữ vững thuần phong, mỹ tục và đảm bảo an ninh trật tự trong thôn xóm, Khoán ước quy định: “Răn đe tệ loạn luân, hoang dâm, trộm cướp: Người trên đời cốt giữ được lễ giáo, đạo vợ chồng là cái giềng mối chính của thiên luân, làng ta đã vượt ngoài cái lễ giáo ấy quá nhiều, nay nên sửa cái xấu đó. Từ nay trở đi là những người làm cha mẹ khi dựng vợ, gã chồng cho con cái nên cẩn thận, răn đe, không nên được quan hệ hôn nhân trong những người cùng dòng khác phái. Một là để tôn trọng phép nước, giữ đúng tôn tộc. Hai là để vãn hồi phong tục tốt đẹp ở hương thôn, để có cái gì khác với đám “mọi rợ”. Nếu gia đình nào phạm phải thì cả hai bên đều bị phạt nặng, đồng thời bắt buộc dâu rể phải chia lìa. Hoặc có kẻ loạn dâm có thai thì cả hai đều bị phạt...”

img

Ông Tháp cho biết, dưới sự tác động của bom đạn, sự bào mòn của thời gian mà khoán ước không hề bị hư hỏng, đó là điều kỳ diệu

Để răn đe những kẻ chuyên nghề trộm cắp, từ nay, nếu người nào phạm phải thì sẽ bị thu hồi ruộng đất “vĩnh nghiệp”, tái phạm sẽ bị thu toàn bộ ruộng đất để tìm nghề khác làm ăn, nhưng nếu tái phạm quá ba lần sẽ bị trục xuất ra khỏi làng để giáo dục những kẻ chưa phạm tội”. Khuyên con dân trong làng dù làm nghề gì cũng phải biết chí thú rèn luyện tay nghề, không buôn gian, bán lận…

Ông Hồ Xuân Tháp chia sẻ: Làng Phú Kinh có khoảng 360 hộ với gần 1.700 nhân khẩu. Trân trọng, kế thừa và phát huy những đạo lý cha ông đã răn dạy, dân làng luôn sống đoàn kết, đùm bọc lấy nhau. Mọi phong tục tập quán, lễ hội ngày nay dù có chút thay đổi, song vẫn giữ được truyền thống từ xa xưa. Các quy định ghi trên khoán ước cũng được dân làng vận dụng, bổ sung và đưa vào hương ước của làng. Cụ thể, trong đời sống thường ngày yêu cầu người lớn phải mẫu mực, con cái biết vâng lời cha mẹ. Mỗi người dân tùy vào điều kiện để chu cấp cho con cái ăn học, làng, dòng họ cũng có nguồn quỹ để động viên những ai học tốt, đạt kết quả cao. Chính vì vậy mà đời sống nhân dân được cải thiện, trình độ nhận thức được nâng lên.

Bản khoán ước Phú Kinh mang giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo. Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Trị cũng đưa Bản khoán ước này vào danh mục 10 báu vật độc đáo tại tỉnh này để đề nghị công nhận đó là báu vật Quốc gia.

Đăng Đức (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem