Bé 3 tuổi bị đốt: Bi kịch của sự vô trách nhiệm

Thứ năm, ngày 05/05/2011 16:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) -Bé Linh bị bố dọa giết và cũng đã định giết không thành nhiều lần mà vẫn không nhận được bất cứ sự ngăn chặn nào của cơ quan hành pháp và tư pháp từ xã đến huyện thì quả là một sự vô trách nhiệm có hệ thống.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thu Thúy - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và thông tin tư liệu về bạo lực giới (CMRC) nhìn nhận từ góc độ can thiệp của cộng đồng với kẻ đang tâm đốt cháy đứa con bé bỏng mới 3 tuổi.

Bà Thu Thuý nhận định: Khi tòa chuẩn bị xét xử, Quang đã mang chai xăng thủ trong người ra tưới vào cháu Linh dọa đốt. Hành vi của Quang đã đủ cấu thành tội giết người nhưng Thẩm phán chỉ hoãn phiên tòa mà không có bất cứ hành động gì để ngăn chặn.

img
Các bác sĩ bệnh viện Nhi Thanh Hóa chăm sóc cháu Linh

Đến ngày 27.4, người cha thực sự châm lửa đốt con. Cháu Linh bị bỏng toàn thân, đang đối mặt với cái chết và đau đớn. Tôi đã có nhiều năm trực tiếp can thiệp các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) nhưng chưa thấy vụ việc nào dã man như vụ này mà không thấy có sự can thiệp nào của chính quyền.

Vậy bà nhận định thế nào về trách nhiệm của chính quyền địa phương?

- Bé Linh bị bố dọa giết và cũng đã định giết không thành nhiều lần mà vẫn không nhận được bất cứ sự ngăn chặn nào của cơ quan hành pháp và tư pháp từ xã đến huyện thì quả là một sự vô trách nhiệm có hệ thống. Gia đình có thể sợ hãi mà không dám báo chính quyền, công an, nhưng khi BLGĐ đã nghiêm trọng như dùng dao doạ chém giết, đánh đập vợ dã man… chính quyền thôn, xã không thể nói rằng không biết.

Nhiều địa phương cho rằng muốn can thiệp vào vụ việc BLGĐ thì phải có “đơn”. Ở đây người mẹ không trình báo nên không biết. Lý giải này có đúng không ?

- Nếu lãnh đạo, cán bộ địa phương nào yêu cầu có đơn mới vào cuộc là hoàn toàn sai. Trong Luật Phòng chống BLGĐ có quy định rõ ràng: Việc thông báo bằng miệng cũng là bằng chứng. Bất cứ người dân nào (không cần là nạn nhân bị BLGĐ) nếu nhìn thấy bạo lực và báo lên cán bộ cơ sở, thì chính quyền địa phương đều phải cho người xuống địa bàn thẩm tra và xử lý. Nếu không làm là không hoàn thành nhiệm vụ, theo đúng luật.

Vậy quy trình một vụ can thiệp BLGĐ là như thế nào?

- Theo luật pháp quy định, khi cấp cơ sở phát hiện vụ việc, Chủ tịch UBND xã cần phối hợp với trưởng thôn tiến hành xử lý từ nhẹ đến nặng: Hòa giải tại gia đình, nếu vẫn tiếp tục thì tiến hành phê bình trước cộng đồng, họ hàng, tiếp đó là xử lý hành chính (phạt tiền hoặc lao động công ích) và biện pháp nặng hơn là đưa đi giáo dục tại nơi tập trung. Nếu có các hành vi BL nghiêm trọng công an có thể bắt giam từ 12-72 giờ, nếu người bị BLGĐ bị thương tích trên 11% thì truy tố hình sự.

Cụ thể ở vụ việc em bé bị cha đốt, theo bà làm thế nào để cộng đồng ngăn chặn kịp thời?

- BLGĐ không phải là dạng bạo lực bùng phát đột ngột mà có một tiến trình, diễn biến, có thể nhìn thấy, đoán trước và có các biện pháp ngăn chặn để tránh leo thang gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, khi có án mạng xảy ra, chính quyền địa phương đổ tại “bất ngờ” nên trở tay không kịp là hoàn toàn vô trách nhiệm.

Ngay từ đầu, khi người cha nhẫn tâm doạ đốt con, tức là có các dấu hiệu phạm tội cần phải xử lý kiên quyết, hoặc ít nhất cũng “rung cây dọa khỉ” để những người gây BLGĐ phải sợ hãi và chùn tay. Cụ thể trong trường hợp này người mẹ phải tìm cách cách ly con, tìm đến chính quyền và công an để “đòi” quyền được bảo vệ của mình.

Cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem