Thời gian qua, câu chuyện chứng chỉ ngoại ngữ nói chung cũng như chứng chỉ IELTS nói riêng nóng trên khắp các diễn đàn. Mọi người tranh luận nhau về việc học ngoại ngữ từ khi nào, sử dụng chứng chỉ ra sao... khi mới đây hàng loạt các tỉnh thông báo sẽ tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ vào lớp 10.
Liên quan đến chủ đề này, anh Nguyễn Bá Trường Giang, tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại Học Cornell, New York và khoa Luật, Đại học Luật Boston, Mỹ; Từng giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Anh – Mỹ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Trước hết các phụ huynh cần xác định là học IELTS để làm gì và IELTS đo lường khả năng ngôn ngữ gì ở con em mình. Khi con đang học cấp 1, lúc này chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết và không phù hợp với các con. Hiện có nhiều bố mẹ ép con học IELTS và thi điểm cao để khoe là chính chứ không hoàn toàn để phục vụ mục đích học thuật.
Trẻ nhỏ nên học theo các chương trình học chuẩn Cambridge như KET, PET hay FCE với những nội dung và kiến thức phù hợp với lứa tuổi. Học IELTS quá sớm sẽ khiến các con vô cùng vất vả vì phải bàn tới những vấn đề xã hội phức tạp mà các em chưa có chút trải nghiệm hay suy nghĩ nào. Ví dụ như bàn đến những vấn đề như đánh thuế vào rượu hay thuốc lá, nhân bản vô tính, cha mẹ nên giáo dục con cái thế nào, viện trợ phát triển, thậm chí cả những vấn đề vai trò của truyền thông, du học… không phù hợp với học sinh lớp 5, 6. Những vấn đề này ngay cả một sinh viên đại học còn ôm đầu vò tai giật tóc.
Hơn nữa, lượng từ vựng và nội dung các bài đọc, bài nghe là tương đối khó với các em nhỏ. Thế nên học IELTS quá sớm thực sự là áp lực với bọn trẻ nhỏ và nhiều khi có tác dụng phụ tiêu cực tới sự yêu thích ngôn ngữ vốn đã mong manh ở trẻ.
Như vậy, IELTS là luyện thi chứ không phải học ngôn ngữ và hoàn toàn không phù hợp với trẻ từ lớp 1-7. Tất nhiên trong quá trình luyện thi sẽ có bổ sung ngôn ngữ nhưng học ngôn ngữ là một quá trình khác hẳn với luyện thi. Học ngôn ngữ là thấm dần qua thời gian, không thể chín ép, không thể ăn vã, không thể định dạng ngay".
Lộ trình học tiếng Anh
Về lộ trình cho con học tiếng Anh, anh Giang đã đưa ra lời khuyên xuất phát từ tâm huyết và kinh nghiệm một người thầy chứng kiến sự vất vả của học sinh khi học tiếng Anh. Học mãi nhưng tới khi lớn vẫn rất "lởm khởm" đến khi thi cử IELTS/SAT thật khó khăn, ì ạch.
1. Từ khi con 3 tuổi (hoặc sớm hơn), các phụ huynh cho con nghe YouTube đều đặn hàng ngày. Các chương trình như Kid Songs, ABC... rất nhiều và rất phù hợp với trẻ. Con lớn hơn thì cho nghe thêm Kid Science. Đây là một kho tàng học liệu.
2. Khi con vào lớp 1, con nên bắt đầu học chữ. Lúc này con bắt đầu đọc đơn giản. Các phụ huynh tiếp tục kiên trì cho con xem YouTube phonics hoặc Kid Sciences.
3. Con từ lớp 3 trở đi, các phụ huynh nên cho con học tiếng Anh một cách nghiêm túc. Lúc này tôi khuyên các phụ huynh nên cho con học với giáo viên bản ngữ. Học chương trình này các con sẽ được rất nhiều. Thứ nhất là học đọc thành thạo; thứ hai học được phát âm bản ngữ; thứ ba học được từ ngữ và cấu trúc câu; thứ tư học được thông tin từ nội dung bài đọc. Lúc này các con cũng bắt đầu phát triển tư duy trừu tượng, có thể hiểu được các nguyên tắc ngôn ngữ.
4. Con lớp 4, 5, các phụ huynh vẫn kiên trì cho con học đọc và ngữ pháp. Sau một năm học đọc, các con sẽ bắt đầu học viết. Học viết là một quá trình khổ luyện nhất vì viết không hình thành tự nhiên mà phải do rèn luyện mới thành. Các con học viết không phải chỉ là học tiếng Anh mà thực chất là học cách sử dụng tiếng Anh đã có, đang thu thập hàng ngày từ các nguồn đọc, nghe, mà còn học cách suy nghĩ về các vấn đề khác.
5. Các con kiên trì học Đọc, Ngữ Pháp, Viết cho tới hết cấp II thì nền tiếng Anh sẽ vô cùng chắc chắn. Các phụ huynh nhớ là bên cạnh các môn này, các con cần được khuyến khích nghe các chương trình trên YouTube như TedTalk hoặc các bài chuyên sâu về khoa học/xã hội để hình thành phản xạ nghe tự nhiên. Ngoài ra các con có thể tập nghe trả lời câu hỏi theo các tài khoản Nghe Cambridge/TOEFl Primary/TOEFL Junior...
6. Khi các con tới lớp 9/10, các em đạt tới trình độ Advanced (cao cấp) và Proficiency (thành thạo), chuyển qua học IELTS/SAT thì không gặp nhiều khó khăn. 3 năm cấp 3 là lúc phải học có mục đích để thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để du học hay quốc học đều tốt cả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.