Bén duyên với nông nghiệp, một kỹ sư ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch “4 không”
Bén duyên với nông nghiệp, một kỹ sư ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch “4 không”
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ ba, ngày 03/12/2024 09:10 AM (GMT+7)
Nhận thấy nhu cầu rau sạch ngày càng trở nên cấp thiết, anh Nguyễn Tấn Phương (40 tuổi, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao, cho hiệu quả kinh tế nông nghiệp bền vững.
Năm 2017, anh Phương thành lập trang trại Afarm tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) trên diện tích 3ha để trồng rau sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Anh Phương chia sẻ: "Trước kia tôi làm kỹ sư công nghệ thông tin, thường xuyên thiết kế phần mềm cho các dự án về nông nghiệp công nghệ cao. Qua nhiều lần tiếp xúc tôi nhận thấy những mô hình trồng rau công nghệ cao rất thú vị, vừa giúp ích cho sức khỏe người tiêu dùng, lại vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Chính vì thế, tôi quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh để về quê nhà ở Đà Nẵng khởi nghiệp".
Khác biệt so với nhiều nông trại khác, anh Phương xây dựng trang trại trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao theo mô hình Farm on Smartphone (trồng trọt bằng điện thoại thông minh) do chính anh thiết kế phần mềm.
Thông qua ứng dụng Afarm được tải về điện thoại, người tiêu dùng sẽ có một vườn rau củ quả công nghệ 4.0 chỉ trong vài thao tác đơn giản. Khi khách hàng chọn loại rau mình muốn ăn thì sẽ có thông báo gửi về hệ thống kỹ thuật và nhân viên. Họ sẽ trực tiếp xuống giống, chăm sóc, thu hoạch và giao rau sạch đến tận tay người tiêu dùng.
Thời gian đầu, anh Phương gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý, kỹ thuật trồng rau thích ứng với khí hậu của Đà Nẵng, nguồn vốn đầu tư cho quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, việc trồng rau theo sở thích của từng người và giao hàng tận nơi vẫn còn mới lạ với người dân địa phương.
Song, sự phản hồi tích cực của khách hàng cả về chất lượng sản phẩm, lẫn chất lượng dịch vụ chính là động lực để anh kiên trì vượt khó và phát triển lớn mạnh. Hiện nay, trang trại Afarm có 4 nhà màng trồng rau và 1 nhà màng trồng dưa lưới, chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày như: cải, rau muống, xà lách, rau dền, rau thơm....
Anh Phương cho biết, ưu điểm của mô hình trồng rau hộ là giúp người tiêu dùng dù không có đất trồng, không am hiểu về nông nghiệp vẫn trồng được rau sạch, an toàn để sử dụng. Ứng dụng sẽ tự động nhắc nhở công việc cần làm hằng ngày, hoặc tự động thực hiện lệnh chăm sóc giúp khi khách hàng quên.
Tối ưu hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất
Nông trại trồng rau sạch của anh Phương đạt chuẩn Global GAP, tuân thủ nghiêm nghặt các tiêu chí 4 không, gồm: không sử dụng thuốc trừ sâu, không giống biến đổi gen, không thuốc tăng trưởng và không thuốc hóa học. Toàn bộ các giống rau, phân bón đều được lựa chọn kỹ càng, có nguồn gốc rõ ràng; hệ thống tưới tiêu và kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng hoàn toàn được thực hiện tự động với công nghệ 4.0.
Thêm vào đó, anh sử dụng màng bao gói khí quyển biến đổi (màng MAP) để đóng gói rau củ quả, giúp duy trì quá trình sống tự nhiên, kéo dài thời hạn sử dụng và giúp rau tươi lâu hơn mà không cần đến bảo quản tủ lạnh.
Anh Phương cho hay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp anh tiết kiệm được tối đa sức lao động truyền thống, tối ưu diện tích đất sản xuất. Bởi đối với mô hình trồng rau thủy canh thì mọi công việc được tự động hóa, không tốn nhiều công chăm sóc, người trồng chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là điều chỉnh dung dịch dinh dưỡng và quan sát sự phát triển của cây.
Dù có đi đâu xa thì chỉ cần điện thoại được kết nối internet là anh có thể kiểm soát và chăm sóc được vườn rau tươi tốt. Việc quản lý độ ẩm, pha trộn dinh dưỡng, tưới nước cho cây đều được anh thực hiện bằng công nghệ.
Đặc biệt là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng ít bị tác động bởi thời tiết bất thường, ít xảy ra sâu bệnh hại, cây phát triển đồng đều, mẫu mã đẹp, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, cho năng suất cao hơn gấp 1,5-3 lần so với mô hình trồng rau truyền thống.
Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, nông trại Afarm của anh Phương có 2 sản phẩm Rau ăn lá Afarm và Dưa lưới Afarm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao của thành phố Đà Nẵng. Các sản phẩm rau củ quả sạch của nông trại được tiêu thụ rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch ngày càng cao của khách hàng.
"Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", anh Phương bộc bạch.
Thời gian tới, anh Phương sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng cho học sinh tại các trường tới học tập, tham quan, trải nghiệm.
Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết: "Những năm qua, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã đánh giá hiệu quả và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố theo hướng ưu tiên cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng; hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp phục vụ du lịch.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển những loại giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, làng nghề, sản phẩm OCOP và chính sách phát triển hoa, cây cảnh theo hướng đô thị, sinh thái".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.