Bệnh bạch hầu khiến 2 người ở Hà Giang tử vong nguy hiểm thế nào?

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 08/09/2023 14:43 PM (GMT+7)
Sau ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đầu tiên từ ngày 21/8, đến nay, Hà Giang đã ghi nhận 32 ca mắc, trong đó có 2 ca tử vong.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 1 bệnh nhân (12 tuổi, ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với biến chứng viêm cơ tim cấp. Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tích cực, làm thêm 1 số xét nghiệm để khẳng định căn nguyên và tiên lượng bệnh. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang về kết quả kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh bạch hầu tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, sau ca bệnh nghi ngờ đầu tiên xuất hiện từ ngày 21/8/2023 cho đến nay đã ghi nhận 32 ca, trong đó có 2 ca tử vong (1 bé trai 15 tuổi và 1 bé gái 16 tuổi). 

Bệnh bạch hầu khiến 2 người ở Hà Giang tử vong nguy hiểm thế nào?  - Ảnh 1.

Nhân viên y tế cấp phát thuốc uống phòng dịch bạch hầu cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Khâu Vai, Hà Giang. Ảnh TTXVN

Trước đó, từ ngày 30/4 - 21/5/2023, tỉnh Điện Biên ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. 2 ca mắc trong đợt dịch này yếu tố dịch tễ không rõ ràng.

Trước tình hình dịch, Bộ Y tế đã thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh bạch hầu tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Điện Biên. 

Tình hình dịch tễ bệnh bạch hầu ở nước ta

Theo Bộ Y tế, bệnh bạch hầu trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. 

Ở nước ta, theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh trong năm 1983 ở miền Bắc là 0,695% dân số, ở miền Trung 0,174% dân số, ở miền Nam 0,489% dân số.

Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk… 

Năm 2020, trên địa bàn 4 tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum cũng xuất hiện các chùm ca bệnh bạch hầu, với gần 80 ca được ghi nhận. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã cho triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên quy mô lớn mà 4 tỉnh đầu tiên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có đặc điểm lâm sàng là màng giả xuất hiện ở chỗ nhiễm trùng. 

Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn. 

TS Lâm cho biết, người là ổ chứa của vi khuẩn bạch hầu. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết đường hô hấp hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da có chứa vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh bạch hầu khiến 2 người ở Hà Giang tử vong nguy hiểm thế nào?  - Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho người dân tại Kon Tum năm 2020. Ảnh BYT

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào? 

TS Lâm cho biết, biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu tuỳ thuộc vào biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, và mức độ lan tràn độc tố trong máu. 

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau và gây ra các nguy hiểm. 

Cụ thể:

Bạch hầu mũi

Bệnh có biểu hiện giống như một trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên, dịch bốc mùi hôi có thể cảm nhận được. 

Các bác sĩ khi thăm khám cẩn thận sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Do bệnh này không bộc lộ nhiều triệu chứng trên toàn thân nên các bác sĩ thường khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh sớm.

Bệnh bạch hầu khiến 2 người ở Hà Giang tử vong nguy hiểm thế nào?  - Ảnh 3.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có đặc điểm lâm sàng là màng giả xuất hiện ở chỗ nhiễm trùng.

Bạch hầu họng – Amiđan

Dạng Thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 trường hợp. Biểu hiện bệnh là bệnh nhân chán ăn, bất an, sốt nhẹ. Nhiệt độ thường trong khoảng 380 đến 38 độ 5, viêm họng. Trong vòng 1- 2 ngày  màng giả xuất hiện. 

Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amygdales đến vòm khẩu cái, màng giả dính với niêm mạc bên dưới và phủ mặt vòm hầu và thành sau họng có khi lan xuống thanh khí quản, nếu bóc tách màng giả dễ gây chảy máu. 

Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. 

Đây là triệu chứng rất nặng nề , có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu, tình trạng này kéo dài trong vài ngày, nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc năng và tử vong.

Tiến trình của bệnh bạch hầu tuỳ thuộc vào diện tích của màng giả và lượng độc tố sản xuất.

Một số trường hợp bệnh nhân có suy hô hấp và tuần hoàn, tỷ lệ mạch – nhiệt độ gia tăng không tương ứng, khẩu cái có thể bị liệt, làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, hôn mê và chết có thể tiếp theo trong vòng 7- 10 ngày. 

Một số trường hợp hồi phục chậm, có biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.

Bạch hầu thanh quản

Nguyên nhân thường do màng giả từ họng lan xuống. Bệnh nhân  thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng, cần phân biệt với các trường hợp viêm thanh quản do các nguyên nhân khác, phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội, có khi có sự tắt thanh quản và có thể chết nếu không được khai khí quản kịp thời. 

Thỉnh thoảng bệnh nhân xuất hiện khó thở đột ngột do tắt nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Theo TS Lâm, có 2 loại biến chứng quan trọng: Biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên .

- Trường hợp bệnh bạch hầu mà chẩn đoán và điều trị muộn thì màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh – khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

- Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% – 25%. 

Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% – 60%. Biểu hiện lâm sàng có thể nghe tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi… Trên điện tâm đồ sẽ thấy biến đổi ST – T, loạn nhịp tim, rung nhĩ, ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, phân ly nhĩ thất…

Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thông thường tiên lượng là xấu.

- Ngoài ra còn có biến chứng thần kinh thường xuất hiện sau một thời gian muộn hơn. Liệt khẩu cái cả hai bên và thường liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi gà tuần thứ 3, liệt cơ vận nhãn thường xuất hiện tuần thứ 5, nhưng cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu đó là nguyên nhân gây cho bệnh nhân nhìn mờ, và lác . 

Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành thường ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Liệt các chi hoàn toàn nhưng hiếm gặp. Hầu hết  các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.

Bệnh bạch hầu khiến 2 người ở Hà Giang tử vong nguy hiểm thế nào?  - Ảnh 4.

Tiêm vaccine phòng bạch hầu cho trẻ từ dưới 1 tuổi là cách tốt nhất để ngừa bệnh. Ảnh CTV

Phòng ngừa bệnh bạch hầu

Bác sĩ Hồ Thị Bích (Trung tâm Các Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, phòng bệnh bạch hầu cho trẻ dưới 1 tuổi, thực hiện theo chương trình tiêm chủng mở rộng bằng chủng ngừa vaccine: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván.

Khi có người nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần cách ly tuyệt đối để ngừa lây lan. Người thân, người tiếp xúc gần cần được theo dõi tối thiểu 1 tuần, cấy dịch họng tìm vi khuẩn bạch hầu và được điều trị kháng sinh dự phòng.

Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, bệnh nhân có thể mang khuẩn một thời gian từ vài ngày cho đến 2 tuần hoặc 1 tháng. Vì vậy bệnh nhân được cách ly và xuất viện khi cấy dịch họng 3 lần âm tính cách nhau 5 – 7 ngày. 

Người chăm sóc trẻ mang phương tiện phòng hộ cá nhân: khẩu trang, mũ, áo, găng tay . . .Đeo khẩu trang cho trẻ và hướng dẫn trẻ che miệng khi ho, hắt hơi.

Người lành mang trùng là nguồn lây bệnh nguy hiểm do vậy cần tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, tránh những nơi đông người, vệ sinh môi trường sống, mang khẩu trang ở những nơi công cộng.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem