Bệnh nhân cùng lúc nhiễm nhiều loại giun sán, giun rồng lúc nhúc dưới da

Diệu Linh Thứ hai, ngày 22/07/2024 18:52 PM (GMT+7)
Bệnh nhân ngứa "điên người" vì nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau, trong đó có thể nhìn thấy giun rồng bò lúc nhúc dưới da.
Bình luận 0

Ngày 22/7, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị 1 ca nhiễm giun rồng cùng nhiều loại giun sán khác. 

Bệnh nhân là anh T.Đ.T (21 tuổi ở Yên Bái). Bệnh nhân đi khám khi thấy có biểu hiện ngứa khắp người (nhất là vùng mông). Ngoài ra, bệnh nhân còn sốt, chóng mặt, nôn, ngứa nhiều, tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da. 

Bệnh nhân cùng lúc nhiễm nhiều loại giun sán, giun rồng lúc nhúc dưới da- Ảnh 1.

Hình ảnh giun rồng bò dưới da bệnh nhân. Ảnh BVCC

Dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng đều có hình ảnh giun sán ký sinh trùng di chuyển. Anh T. được nhập viện theo dõi với chẩn đoán: Nghi nhiễm giun sán ký sinh trùng (nghi do giun rồng).

Anh T. cho biết, trước đây anh có ăn gỏi cá. Sau đó có biểu hiện ngứa nhiều khắp người, nhất là vùng mông. Anh gãi đến trầy xước da, đến nỗi vùng gãi gây áp xe mủ.

"Bản thân tôi cũng biết mình bị nhiễm giun sán khi nhìn thấy giun nổi ở mặt, tay, bụng, lưng, chân ngứa tại chỗ gây loét, có mủ khi vỡ tiết ra dịch vàng làm cho cuộc sống thường ngày gặp nhiều bất tiện", anh T cho biết. 

Bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết, người bệnh có nhiều tổn thương ban đỏ rải rác toàn thân dạng nấm hắc lào gây nên, đặc biệt vùng da mặt, dưới cánh tay, và dưới đùi 2 bên có hình ảnh ký sinh trùng di chuyển dưới da, trong đó vùng đùi 2 bên tạo ổ áp xe đã vỡ, vùng dưới cẳng tay có biểu hiện viêm mủ, lộ đầu giun. 

Bệnh nhân cùng lúc nhiễm nhiều loại giun sán, giun rồng lúc nhúc dưới da- Ảnh 2.

Giun rồng sau khi được lấy ra khỏi bệnh nhân. Ảnh BVCC

Sau khi hội chẩn với bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp Tiết niệu và Nam học, bệnh nhân đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30cm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bệnh phẩm giun sau đó đã được chuyển lên Khoa Vi sinh và Sinh học phân tử để định danh đã nghi ngờ giun tròn, kết hợp với lâm sàng bệnh nhân này xác định nhiễm Dracunculus sp (giun rồng).

Bệnh nhân đã được làm huyết thanh chẩn đoán các loại giun sán, ký sinh trùng khác và dương tính với khá nhiều loại giun sán khác như sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo.

Bệnh nhân cùng lúc nhiễm nhiều loại giun sán, giun rồng lúc nhúc dưới da- Ảnh 3.

Giun rồng tạo thành nhiều tổn thương dưới da cho bệnh nhân. (Bác sĩ Thiệu đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh BVCC)

Hiện tại, bệnh nhân được theo dõi các tổn thương ở các vị trí trên cơ thể. Tổn thương vỡ có thể giun sẽ chui ra thì nhân viên y tế hoặc người nhà có thể lấy dụng cụ từ từ lôi giun ra. 

Việc lấy giun ra có thể lấy luôn ra được hoặc có thể mất vài ngày. Tránh không làm đứt giun và không rạch dọc, rạch rộng theo chiều dài của giun để lấy giun ra.

Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh, cách điều trị duy nhất hiện nay là lấy giun rồng ra, hoặc giun sẽ tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ chảy nước vàng trên da. Nếu giun không tự chui ra hoặc không được lôi ra, nó có thể gây áp xe tại chỗ trú trên cơ thể người.

Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị bệnh giun rồng mà chỉ có thể điều trị theo triệu chứng. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm được những biến chứng nguy hiểm. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem