|
Mỗi ngày có đến 1.000 trẻ đến khám, nhập viện nhi T.Ư. Ảnh chụp chiều 9- 5. |
Bệnh viện chật ních bệnh nhân
Tại Thừa Thiên- Huế, nắng hạn xảy ra gay gắt ở khắp các địa phương, nhiệt độ có nơi lên trên 40 độ C. Nước sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu xuống thấp và nhiễm mặn nặng nề. Tại huyện miền núi Nam Đông, nhiều diện tích hoa màu ở đây chết cháy.
Bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường, đặc biệt là trẻ em và người già. Mỗi ngày khoa Nhi của Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận từ 300-400 lượt trẻ em đến khám và điều trị nội trú, trong khi công suất giường bệnh là 190 nên dẫn đến quá tải. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu do các bệnh hô hấp, do nắng nóng.
Theo thống kê của khoa Nhi Bệnh viện Đà Nẵng, những ngày gần đây có từ 200 - 300 bệnh nhi đến khám tại đây, tăng gấp đôi bình thường. Hiện nay, số lượng bệnh nhân thường trực từ 300-370 ca, trong khi chỉ có 160 giường bệnh. Nhiều gia đình không chịu nổi cảnh nằm 3 người trên 1 giường bệnh đã phải bế con ra ngoài hành lang.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, số lượng trẻ em nhập viện tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Cùng với trẻ em, số lượng bệnh nhân già, cao tuổi, nhập viện cũng tăng gấp đôi. Không chỉ bệnh viện công mà các điểm khám tư nhân ở TP. Quảng Ngãi cũng chật kín người. Theo các bác sĩ phụ trách điểm khám này thì mỗi ngày có 200 người đến khám.
Tại một số khu vực ở Quảng Trị, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 43 độ C. Tại huyện miền núi Đak Rông, gần 1.000ha hoa màu của người dân đang chết cháy, trong đó khoảng 300ha ngô vụ đông xuân mất trắng.
Nước sông Đak Rông cạn kiệt, các công trình nước tự chảy tê liệt hoàn toàn khiến người dân các xã Ba Nang, Tà Rụt, Tà Long, A Ngo, A Bung, A Vao, Húc Nghì... thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Tại huyện Hướng Hóa, nửa tháng nay, nắng nóng khiến hàng nghìn hộ dân xã Hướng Lập thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Càng nóng, càng dễ bùng phát bệnh
Nắng nóng trên diện rộng ở miền Bắc cũng làm xuất hiện một số bệnh như tiêu chảy, sốt virus, sốt phát ban, viêm phổi… Tại Viện Lão khoa quốc gia, thời gian này ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Bên cạnh đó có hàng chục bệnh nhân huyết áp, rối loạn tiêu hóa cũng nhập viện khám, điều trị trong ngày.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mấy ngày qua, trung bình mỗi ngày có đến 1.000 trẻ nhập viện khám, điều trị. Trong đó, liên tiếp tiếp nhận những ca bệnh nặng viêm phổi, tiêu chảy cấp từ tuyến dưới chuyển lên.
Chị Nguyễn Bích Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho hay, cháu bé nhà chị gần 5 tháng tuổi bị viêm phổi cấp và được chuyển ra bệnh viện Nhi T.Ư điều trị đã 5 ngày nay. Điều đáng nói, bên cạnh viêm phổi cháu còn bị tiêu chảy cấp do rotavirus lây nhiễm từ môi trường bệnh viện.
Thời điểm này, bệnh nhi mắc bệnh chân tay miệng đã bắt cũng đầu xuất hiện ở miền Bắc. TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay, bệnh này phát triển mạnh vào mùa hè, trong thời tiết nóng nực do vậy phụ huynh nếu thấy trẻ có các biểu hiện như run chi, yếu chi, đứng không vững, đi loạng chọang, diễn tiến nhanh sang co giật, khó thở, suy hô hấp, rối loạn vận mạch… thì phải nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Cũng cần cảnh giác thêm các bệnh viêm màng não, rubella, sởi, sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ.
Quỳ Châu gần 42 độ C
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, những ngày qua, nhiệt độ cao nhất phổ biến cho các tỉnh phía Bắc là 37- 39 độ C, nhiều nơi ở vùng núi phía Tây Bắc bộ và vùng núi phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Sơn La, nhiệt độ đã vượt lên trên 40 độ C... Nơi có nhiệt độ cao nhất tính đến ngày hôm qua là Quỳ Châu (Nghệ An): 41,8 độ C. Các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên, nhiệt độ đang duy trì ở mức cao, phổ biến trong khoảng 35 – 37 độ C.
Dự báo đợt nắng nóng gay gắt ở các tỉnh phía Bắc sẽ còn kéo dài trong 1 - 2 ngày tới. Đến đầu tuần sau (khoảng 10-11/5), vùng áp thấp nóng có khả năng bị nén bởi không khí lạnh yếu từ phía bắc. Nền nhiệt khu vực Bắc bộ giảm, trời dịu mát hơn.
B.T.K
An Sơn - Vũ Vân Anh - Công Xuân - Hồng Hoa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.