Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại TT-Huế và nhiều tỉnh miền Trung

Trần Hòe Thứ ba, ngày 17/11/2020 07:52 AM (GMT+7)
Nhiều bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... nên việc điều trị khó khăn.
Bình luận 0

Sáng 17/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong mùa bão lụt năm nay, số bệnh nhân mắc bệnh whitmore nhập viện tại bệnh viện tăng mạnh. Cụ thể, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, số lượt bệnh nhân mắc bệnh whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng đột biến với gần 30 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi.

Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...,  50% đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại TT-Huế và nhiều tỉnh miền Trung  - Ảnh 1.

Bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế.

Nhiều bênh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... nên việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Bệnh melioidosis còn gọi là bệnh whitmore, do trực khuẩn gram âm burkhoderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Vi khuẩn này còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.

Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại TT-Huế và nhiều tỉnh miền Trung  - Ảnh 2.

Bệnh nhi bị áp- xe tuyến mang tai do vi khuẩn burkhoderia pseudomalei đang điều trị tại Trung tâm Nhi Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với burkhoderia pseudomallei ). Từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 có 11 bệnh nhân. Từ tháng 10/2020 đến giưã tháng 11/2020 có 28 bệnh nhân.

 Sự tăng đột biến số lượng ca bệnh trong thời gian tháng 9, 10 và 11 như trên là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới vì số lượng ca bệnh whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm và đặc bịệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn burkhoderia pseudomallei.

Vi khuẩn whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn, hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn, uống nước có nhiễm khuẩn whitmore. Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn.

Ở người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy... khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp-xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh có tiên lượng xấu, dễ tử vong.          

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem