Bệnh tim lại tưởng viêm phổiCháu Trương Hoàng An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã lên 7 tuổi nhưng còi cọc, chỉ như đứa trẻ lên 5. Mẹ cháu cho biết, từ nhỏ, cháu đã khó ăn, chậm lớn, hay bị viêm phổi. Tuy nhiên, gia đình chỉ cho cháu đi khám ở trạm y tế xã, chữa trị nhì nhằng. Cách đây 6 tháng, cháu bị viêm phổi nặng, khó thở, gia đình mới đưa lên bệnh viện huyện, các bác sĩ chẩn đoán cháu An bị thông liên nhĩ (tim bẩm sinh), gia đình mới hốt hoảng, đưa cháu lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám.
Siêu âm phát hiện dị tật tim bẩm sinh sớm tại C5 Tim mạch nhi.
Tương tự, cháu Nguyễn Ngọc Nhi (4 tuổi, Vụ Bản, Nam Định) cũng chỉ khó ăn, chậm lớn và hay đau ốm nhì nhằng chứ chưa bao giờ ốm nặng nên gia đình cũng không đưa cháu đi chữa trị bao giờ. “Cháu cũng hay bị bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhưng gia đình chỉ nghĩ sức đề kháng của cháu kém nên không đi khám kỹ” – mẹ bé Nhi cho biết. Sau một đợt viêm phổi nặng, bé Nhi đi khám, cũng được các bác sĩ chẩn đoán bị thông liên thất.
PGS-TS Trương Thanh Hương – Trưởng Phòng C5 Tim mạch nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, tim bẩm sinh (TBS) chiếm khoảng 0,7-0,8% tổng số trẻ sơ sinh lúc chào đời. Ở Việt Nam ước tính mỗi năm có 16.000-20.000 trẻ mắc bệnh TBS ra đời.
Các dị tật tim trẻ hay gặp như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, hẹp van động mạch phổi, không lỗ van ba lá, tứ chứng Fallot… Trẻ em sinh non, nhẹ cân có nguy cơ bị dị tật TBS cao hơn. “Hầu hết các bệnh TBS nếu được can thiệp mổ sớm sẽ chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội trở lại với cuộc sống khỏe mạnh. Nhưng nếu càng để muộn, sức khỏe của trẻ sẽ giảm sút, suy tim thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng hoặc cứu được cũng khó sống khỏe mạnh” – TS Hương cho biết.
Cần can thiệp sớmChỉ một thanh niên đang ngồi thở mệt nhọc ở góc phòng, bác sĩ Trần Bảo Trang (C5 Tim mạch nhi) cho biết: “Đây là trường hợp phát hiện bệnh tim quá muộn, rất đáng tiếc. Bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn suy tim, chỉ có thể điều trị cầm chừng, tính mạng có thể nguy hiểm bất cứ lúc nào”.
Bệnh nhân là em N.B.S (20 tuổi, Thanh Hóa), đang học cao đẳng. Mẹ em cho biết: “Từ nhỏ cháu đã ốm đau quặt quẹo, nhưng không ốm nặng, gia đình đông con nên mạnh đứa nào đứa ấy lớn. Chỉ đến khi con khó thở, ngất mới đưa con đi khám. Đến đây, các bác sĩ nói cháu bị suy tim, không thể phẫu thuật, tôi thật sự hối hận quá”.
Hiện nay, tùy mổ hở hay mổ nội soi, một ca phẫu thuật tim tốn kém khoảng 30-50 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ tháng 11.2013, trẻ em có thẻ bảo hiểm y tế thuộc gia đình nghèo, cận nghèo; thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật sẽ được hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim, bao gồm cả tiền viện phí và tiền ăn, tiền đi lại.
|
Bác sĩ Trang cho biết, đối với những trẻ bị TBS nặng, thể tím tái thì dễ phát hiện ra với các triệu chứng da tím tái, môi tím, khó thở, ngất xỉu. Tuy nhiên, đối với trẻ bị bệnh tim nhẹ hoặc thể không tím tái thì dấu hiệu mơ hồ hơn.
Trẻ bị TBS có sức đề kháng kém nên hay viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng đường răng miệng, suy dinh dưỡng. Do đó, không ít cha mẹ chủ quan, chỉ nghĩ con còi cọc, chứ không hề nghĩ đến việc con bị TBS.
Bác sĩ Trang cho biết, đối với trẻ hay ốm yếu, cha mẹ chỉ cần nghe lồng ngực con là có thể phát hiện ra những tiếng thở bất thường, báo hiệu con bị TBS. Nếu người khỏe, nhịp tim có tiếng “cắc-bụp” rõ ràng thì trẻ bị TBS sẽ tạo thành tiếng gió “phù, phù”, không khó phát hiện. Với các tiến bộ của siêu âm, hầu hết các ca TBS đều có thể phát hiện từ lúc thai nhi 5 tháng tuổi.
Theo TS Hương, trẻ em có một số dấu hiệu phát hiện bệnh tim sớm như: Khi bú hoặc khóc có biểu hiện khó thở, thở nhanh, cánh mũi phập phồng mạnh, cáu gắt, da có thể tím tái, môi tím. Dấu hiệu muộn hơn là suy dinh dưỡng, viêm phổi tái phát nhiều lần… Khi đó, cha mẹ cần đưa con đi khám để được chẩn đoán sớm.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.