Trước tình trạng trên, để phòng chống bệnh viêm màng não, mọi người cần ăn uống đầy đủ, nâng cao sức đề kháng; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất diệt vật trung gian gây bệnh; thường xuyên vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang nơi công cộng.
Gia tăng bệnh nhân
Từ cuối tháng 2 đến nay, tại Hà Tĩnh ghi nhận số ca bệnh viêm não, viêm màng não tăng so cùng kỳ những năm trước. Với những triệu chứng điển hình như: Đau đầu, buồn nôn, sốt, bệnh viêm màng não không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng bị mắc.
Nếu chỉ tính từ đầu tháng 4/2021 đến nay, mỗi ngày tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có khoảng 130-150 trẻ đến khám, 20 - 30 trẻ nhập viện bởi hội chứng viêm màng não do virus.
Sau quá trình thăm khám và điều trị, các ca bệnh đều được Bệnh viện kiểm soát tốt, không để lây nhiễm chéo, điều trị khỏi, xuất viện sau 10-14 ngày điều trị.
Theo chị H ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), gia đình chị có 2 con mắc bệnh viêm màng não cùng phải nhập viện điều trị.
Theo đó, vào sáng ngày 13/4, con trai chị là cháu P.T.Q, 7 tuổi, xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn mửa. Sau đó chị đưa con đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và được các bác sĩ cho nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới. Bệnh nhi P.T.Q được các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán bị viêm màng não do virus.
Sau đó 1 ngày, con gái lớn của chị H cháu P.T.N.L (13 tuổi) cũng xuất hiện triệu chứng tương tự, nên được gia đình đưa đến viện điều trị cùng em. Sau quá trình điều trị, sức khỏe của 2 chị em đã phần nào hồi phục, các triệu chứng đau đầu, nôn mửa… giảm sau đó không còn xuất hiện.
Một trường hợp khác là bệnh nhi P.V. T (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cũng nhập viện với triệu chứng đau đầu, nôn, sốt cao. Đến nay, sau hai tuần chữa trị, sức khỏe của bệnh nhi đã tiến triển tốt hơn rất nhiều.
Theo tìm hiểu, những năm trước đây, bệnh viêm màng não do virus cũng xuất hiện song năm nay số lượng bệnh nhân mắc tăng cao hơn nhiều lần. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20-30 trẻ đến khám, nhập viện vào Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị căn bệnh này. Số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu là của cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Theo thống kê, trong 100 trẻ đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì số bệnh nhân từ Hà Tĩnh chiếm 20,4%; ở Nghệ An, bệnh xuất hiện hầu như tất cả các huyện, thành, thị, số bệnh nhân ở thành phố Vinh chiếm 18,07%; Thanh Chương 15,67%; Nghi Lộc 10,84%; Diễn Châu 8,49%...
Thông tin với báo chí, bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi được chẩn đoán và sử dụng các phác đồ điều trị, hướng dẫn của Bộ Y tế, các bệnh nhân phục hồi nhanh. Cho đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào nặng, đe dọa tính mạng và nguy kịch, cũng chưa có bằng chứng nào để khẳng định bệnh viêm não, viêm màng não đợt này lây qua đường hô hấp, lây lan từ người sang người. Đơn vị cũng đang tiến hành phối hợp các đơn vị xét nghiệm lớn như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để trong thời gian sớm nhất tìm ra căn nguyên gây bệnh”.
Theo các chuyên gia y tế, trong thời điểm này, mọi người cần ăn uống đầy đủ, nâng cao sức đề kháng; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất diệt con vật trung gian gây bệnh; thường xuyên vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang nơi công cộng.
Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não trẻ em
Bệnh viêm màng não thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, viêm màng não do virus thường ít nghiêm trọng hơn viêm màng não do vi khuẩn. Viêm màng não do vi khuẩn có thể gây ra mất thính lực, tổn thương não, các khuyết tật khác, thậm chí tử vong. Bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết hô hấp hoặc cổ họng - nước bọt, đờm, chất nhầy mũi của người bị bệnh (như: hôn, sử dụng chung các đồ dùng vệ sinh cá nhân: cốc, bát đĩa,...).
Những biểu hiện ban đầu của viêm màng não trẻ em là: Sốt, biếng ăn, bú giảm, rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi... Những dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, hay sốt do virus,... Do đó, cần liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì cha mẹ nên lau mát cơ thể trẻ và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng, cân nặng.
Khi xuất hiện các dấu hiệu sau, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ như: Co giật toàn thân hoặc có thể ở tay, chân, mắt, miệng. Một số trường hợp trẻ có thể bị co giật đơn thuần do sốt cao, nhưng cũng có thể do rối loạn điện giải. Tuy nhiên, trường hợp nào cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
Rối loạn ý thức: Ban đầu trẻ sẽ dễ bị kích động, sau đó trẻ có thể rơi vào tình trạng lờ đờ, ngủ li bì, hôn mê.
Trẻ có biểu hiện đau đầu, nôn, liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở tay, chân, hoặc nửa người.
Lưu ý, dấu hiệu viêm màng não trẻ sơ sinh ban đầu thường không rõ ràng, rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác, trẻ có thể bị sốt hoặc không và có kèm theo một trong các triệu chứng trên.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu cảnh báo trên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác để điều trị kịp thời.
Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, hoặc cho trẻ uống các loại lá. Nếu trì hoãn, chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh do bệnh được điều trị muộn.
Bệnh viêm màng não trẻ em có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vaccine. Tại Việt Nam, hiện đều có vaccine phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và mô cầu các nhóm. Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và lưu lại việc chủng ngừa của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đúng lịch, đầy đủ.
Cách phòng tránh viêm màng não
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm màng não là tiêm phòng bệnh. Nên tiêm phòng viêm màng não ở tuổi 11 hoặc 12, sau đó tiêm nhắc lại ở tuổi từ 16 đến 18. Tiêm phòng sởi, quai bị, rubella, thủy đậu cũng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm màng não.
Không chia sẻ các đồ dùng cá nhân
Viêm màng não có thể lây lan khi bạn tiếp xúc với chất tiết hô hấp hoặc cổ họng - nước bọt, đờm, chất nhầy mũi - của người bị nhiễm bệnh, thông qua việc hôn hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân. Nên điều cần làm là không dùng chung đồ dùng cá nhân.
Giữ khoảng cách với những người bị bệnh
Các vi khuẩn tìm thấy trong dịch tiết mũi và cổ họng cũng có thể lây lan qua ho và hắt hơi. Bạn có thể bị viêm màng não nếu bạn ở gần người bị bệnh do tiếp xúc trực tiếp với những chất tiết này. Nếu một ai đó bị nhiễm trùng đường hô hấp, hãy giữ khoảng cách tối thiểu 1m.
Rửa tay sạch
Bạn có thể ngăn ngừa bệnh viêm màng não lây lan bằng cách rửa tay sạch, đặc biệt là sau khi bạn sử dụng phòng tắm, thay tã, hoặc sau khi ở nơi đông người, ho và hắt hơi. Sử dụng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy, xà bông, rửa kỹ 2 mặt của bàn tay, các khe ngón tay và mỗi ngón tay của bạn. Chà 2 tay với nhau trong ít nhất 20 giây sau đó rửa sạch, thấm khô bằng khăn sạch hoặc để khô tự nhiên.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng từ virus và vi khuẩn gây ra viêm màng não. Giữ hệ thống miễn dịch của bạn luôn khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh bao gồm trái cây tươi và rau, ngũ cốc nguyên hạt, các protein nạc, tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, hãy chắc chắn có được giấc ngủ khỏe mạnh, đầy đủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.