Dân gian thường khuyến cáo bệnh nhân ung thư cần kiêng, không được đến đám ma, nhất là ung thư phổi. Bác sĩ cho tôi hỏi như vậy có đúng không? (Hà Mai, Hà Nội)
TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K Trung ương: Đây là băn khoăn của rất nhiều người, thỉnh thoảng tôi cũng gặp câu hỏi như của bạn. Trong dân gian, đặc biệt là nhiều người dân vùng quê thường truyền nhau điều này.
Thực ra đây là vấn đề tâm linh, mà tâm linh rất khó giải thích. Đến nay cũng chưa có tài liệu nào nghiên cứu theo dõi thống kê vấn đề này mà chỉ là người này truyền người kia, truyền miệng với nhau. Hiện nay cũng chưa có tài liệu nào giải thích cụ thể.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là những bệnh nhân điều trị ung thư trải qua nhiều phương pháp điều trị rất nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… Tất cả những liệu trình kéo dài như vậy làm bệnh nhân yếu đi, sức chống đỡ, đề kháng, miễn dịch của bệnh nhân suy giảm. Vì thế, chỉ cần yếu tố tác động nhỏ cũng dẫn đến sự thay đổi lớn trên cơ thể người bệnh.
Khi người bệnh yếu như vậy đến các đám ma với không khí buồn, đông người ngột ngạt, tiếng kèn tiếng trống, nóng bức…, tất cả những yếu tố này đều tác động đến cơ thể người bệnh, khiến cơ thể họ không thích nghi được. Vì thế hay xảy ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, choáng, ngất, đôi khi về nhà cũng mệt mỏi. Tuy nhiên cũng vài 2-3 trường hợp, không phải ai cũng thế nhưng người đấy họ thấy thế họ nói cho người khác và chúng ta cứ thế truyền cho nhau. Thực sự khoa học cũng chưa chứng minh điều này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.