Sáng 31/8, trao đổi với PV Báo Dân Việt, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư, cho biết: "Đã ký văn bản gửi cấp thẩm quyền Quảng Ngãi về phương án mà người dân đã chọn, đề xuất tại buổi đối thoại trong việc chống lãng phí đối với Bệnh viện Dầu khí Dung Quất".
Huyện ủy Bình đã tổ chức buổi đối thoại và giao quyền cho người dân chọn, quyết định phương án chống lãng phí cho Bệnh viện Dầu khí Dung Quất (quy mô 100 giường, tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng), nhưng hoạt động như trạm y tế xã sau khi trở thành cơ sở y tế 2 của huyện này,
Tại buổi đối thoại với người dân, cùng thông báo sơ bộ nội dung cuộc họp trước đó (ngày 13/8) với Tỉnh ủy và các cấp ngành liên quan Quảng Ngãi, Huyện ủy Bình Sơn nêu ra các phương án khắc phục lãng phí đối với Bệnh viện Dầu khí Dung Quất để người dân xem xét, lựa chọn và quyết định.
Cụ thể phương án 1 là giữ nguyên trạng và đề nghị tỉnh bố trí kinh phí và tăng cường thêm y, bác sỹ để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động so với hiện tại. Tuy nhiên với thực tế ngân sách của tỉnh gặp khó khăn; đội ngũ cán bộ y tế thiếu như hiện nay, đồng thời huyện đã có 1 bệnh viện nên nguồn kinh phí bổ sung kinh phí và nhân lực được tăng cường sẽ không nhiều.
Phương án 2 là đề nghị tỉnh chủ trì kêu gọi bệnh lớn đủ lực, uy tín có đội ngũ bác sỹ giỏi, trang thiết bị hiện đại...cùng hợp tác đầu tư khai thác hoạt động, sử dụng toàn bộ cơ sở hạ tầng hiện có của trung tâm y tế này.
Hoạt động của Bệnh viện Dầu khí Dung Quất sau khi trở thành cơ sở 2 của trung tâm y tế huyện Bình Sơn chỉ dừng ở mức sơ cấp cứu, cấp thuốc rồi cho về gây nhiều bức xúc cho người dân.
Sau khi nghe phân tích từ lãnh đạo huyện Bình Sơn, bà Nguyễn Thị Vân (45 tuổi), ở xã Bình Hải bày tỏ: "Bản thân tôi và nhiều người khác ở khu đông của huyện mong muốn là làm sao bệnh viện có thêm bác sỹ, thiết bị...để mở rộng hơn nữa hoạt động khám chữa bệnh cho dân trong vùng. Chứ 1 cơ sở y tế (bệnh viện) to lớn như thế này mà nhân viên y tế lèo tèo mấy người và chỉ khám, rồi đưa vài viên thuốc rồi cho về là không chấp nhận được".
Còn anh Bùi Hải (32 tuổi) ý kiến: "Nếu ngân sách, con người (y, bác sỹ) của tỉnh hiện khó khăn như lãnh đạo huyện Bình Sơn đã nêu, chúng tôi hoàn ủng hộ việc các cấp ngành Quảng Ngãi kêu gọi, liên kết với các bệnh viện lớn để sử dụng toàn bộ sơ cở y tế này, nhằm làm tốt hơn việc khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi đây".
Ý kiến của anh Hải không chỉ nhận được sự ủng hộ, mà còn được người dân có mặt chọn, quyết định và đề nghị lãnh đạo Huyện ủy Bình Sơn báo cáo cho cấp thẩm quyền tỉnh.
Trả lời quan điểm của huyện Bình Sơn về sự lựa chọn trên của người dân tại buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết: "Các phương án mà huyện đã xây dựng và nêu tại buổi đối thoại là nhằm chống lãng phí, sử dụng và phát huy hiệu quả tối đa cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện có của Bệnh viện Dầu khí Dung Quất để phục vụ cho người dân được tốt hơn. Vì vậy phương án mà người dân đã chọn cũng là sự quyết định cuối cùng của chính quyền địa phương. Vì vậy Huyện ủy đã ký gửi phương án này để cấp thẩm quyền tỉnh xem xét, quyết định".
Được biết Bệnh viện Dầu khí Dung Quất có quy mô 100 giường, vốn đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75 tỷ đồng, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Bệnh viện có tổng diện tích trên 5ha, trong đó diện tích xây dựng gần 5.400m2, gồm 3 khối nhà tầng (3-5 tầng/khối) và hàng chục hạng mục khác cùng đầy đủ các khoa phòng và trang thiết bị hiện đại, với đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế gần 100 người.
Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết: " Phương án mà người dân đã chọn cũng là sự quyết định cuối cùng của chính quyền địa phương. Vì vậy Huyện ủy đã ký gửi phương án này để cấp thẩm quyền tỉnh xem xét, quyết định".
Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2004, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến năm 2015, bệnh viện được bàn giao về cho tỉnh Quảng Ngãi quản lý, rồi sát nhập vào Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, trở thành cơ sở y tế 2 của huyện này.
Tuy nhiên do không có đủ nhân vật lực nên sau khi trở thành phòng khám (cơ sở y tế 2) của huyện này, từ quy mô của 1 bệnh viện cấp 3, hiện chức năng chủ yếu nơi đây là khám, sơ cấp cứu ban đầu và điều trị ngoại trú chẳng khác trạm y tế xã. Sự việc này gây nhiều bức xúc trong dư luận ở địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.