Bệnh viện tự chủ cần thu hút khách hàng (bệnh nhân), vì thế họ cần phải làm thương hiệu cho tốt và một trong những cách làm là PR nhiều để bệnh nhân tìm đến. Trường hợp này, không cách nào tốt hơn là cung cấp những thông tin tích cực cho truyền thông để đăng tải như điều trị một loại bệnh hiếm gặp, mổ một ca bệnh khó, hoặc triển khai một phương pháp điều trị kỹ thuật cao.
Một thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước, nay “nguồn sữa” này không còn nữa, các bệnh viện công lập phải tự chủ tài chính, tự bơi trong cơ chế thị trường và họ loay hoay mọi cách để tồn tại.
Thế nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác. Giữa năm nay, một bệnh viện ở TP.HCM công bố lần đầu tiên thực hiện một kỹ thuật mổ tim mới có lợi cho bệnh nhân (nhẹ nhàng, ít đau đớn, thời gian nằm viện ngắn). Tuy nhiên, cũng một bệnh viện gần đó lại xác nhận kỹ thuật này họ đã làm thường quy và triển khai... từ lâu!
Tháng qua, bệnh viện C. triển khai phẫu thuật nội soi bằng robot, nhưng chỉ vài ngày sau bệnh viện B. liền cho tổng kết ngay một số ca phẫu thuật robot đã làm sau mười tháng, mà chẳng cần đợi đến một năm như thông lệ. Giới chuyên môn không ít người “lắc đầu” về cuộc tranh giành thị phần này.
Một bác sĩ (giấu tên) chẳng liên quan gì đến hai bệnh viện trên, nói: “Nhiều bệnh viện triển khai thì bệnh nhân càng có cơ hội chọn lựa và hưởng lợi. Cứ làm tốt bệnh nhân khắc biết, cần gì PR quá nhiều như thế”. Trong khi đó, bác sĩ M., từng quản lý một bệnh viện công lập ở TP.HCM, chia sẻ: “Bệnh viện chỉ công bố ca thành công mà không nói gì đến ca thất bại. Khó tin được một kỹ thuật cao mới du nhập vào nước ta mà chỉ mang lại thành công”.
Bệnh viện triển khai kỹ thuật điều trị cao, tuy nhiên bác sĩ lại chưa quen tay nghề, vì thế cách làm thông thường là thông tin trên báo, đài tổ chức điều trị miễn phí vài chục ca để thu hút bệnh nhân, thực chất là xem bệnh nhân như “chuột bạch” để bác sĩ làm cho quen tay. Cũng bác sĩ M. ở trên nói: “Kinh nghiệm trong nghề của tôi là những ca điều trị đầu tiên tỷ lệ rủi ro rất cao. Vì thế, người bệnh cần cân nhắc trước những thông tin PR kiểu này”.
Một thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước, nay “nguồn sữa” này không còn nữa, các bệnh viện công lập phải tự chủ tài chính, tự bơi trong cơ chế thị trường và họ loay hoay mọi cách để tồn tại. Là một trong những bệnh viện công được chọn làm thí điểm tự chủ tài chính nhóm 1 (bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư), từ vài năm nay bệnh viện quận 2 TP.HCM đã từng bước vươn lên như một mô hình tự chủ bệnh viện thành công.
Bản thân BS Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện này, thừa nhận cân đối tài chính là một bài toán rất khó. Để thu hút bệnh nhân, ông cho biết bệnh viện phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị mới và phát triển nhiều chuyên khoa, kỹ thuật chuyên sâu. Thế nhưng, theo một bác sĩ thành viên ban giám đốc bệnh viện, để khách hàng biết đến, bệnh viện tập trung vào nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng phục vụ là chính.
Bác sĩ này nói: “Bệnh viện cũng có nhiều ca điều trị hay, triển khai kỹ thuật mới nhưng ít thông tin trên báo đài. Mình cứ âm thầm làm, đáp ứng mọi nhu cầu của bệnh nhân, làm tốt thì họ sẽ hài lòng và tìm đến với mình”.
Nhưng không phải bệnh viện nào cũng đi theo con đường bền vững này, vì thế xuất hiện nỗi lo khi đứng trước áp lực tự chủ bệnh viện sẽ thu hút bệnh nhân bằng những “chiêu thức” khác nhau để tồn tại, trong đó có chuyện lạm dụng kỹ thuật cao để “moi tiền” bệnh nhân.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, cảnh báo: “Trong bối cảnh tự chủ tài chính, không phải bệnh viện muốn làm gì cũng được. Sở Y tế sẽ theo dõi sát sao các hoạt động của bệnh viện, trong đó có việc bệnh viện dùng những cách thức không đúng đắn để thu hút bệnh nhân, không tuân thủ phác đồ điều trị và cạnh tranh với nhau. Tuân thủ quy định pháp luật là một trong những yêu cầu lớn mà bệnh viện phải thực hiện trong bối cảnh tự chủ tài chính”.
Nhận định về xu hướng tự chủ tài chính của bệnh viện hiện nay, GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng bộ Y tế, cũng cho rằng bệnh viện công lập không thể vì lợi nhuận mà xem bệnh nhân là đối tượng để tăng thu, lạm dụng kỹ thuật cao, đắt tiền. Ông nói: “Dù giao quyền tự chủ tài chính cho bệnh viện, nhưng Nhà nước vẫn phải điều tiết, kiểm soát chặt để bệnh viện không thể lạm quyền, bác sĩ chạy theo lợi ích”.
Vô Thường (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.