Bệnh viện Việt Đức ngày đầu hoãn mổ phiên: Cả bệnh nhân và bác sĩ đều khổ tâm
Bệnh viện Việt Đức ngày đầu hoãn mổ phiên: Cả bệnh nhân và bác sĩ đều khổ tâm
Thanh Tùng - Diệu Linh
Thứ tư, ngày 01/03/2023 12:45 PM (GMT+7)
Hàng trăm bệnh nhân đã phải dời lịch mổ, hoãn mổ, chuyển viện sau khi Bệnh viện Việt Đức thông báo hoãn mổ phiên. Bệnh nhân, người nhà đau, khổ còn các bác sĩ cũng ngậm ngùi.
Hoãn mổ phiên, bệnh viện vắng, nhiều người thất vọng ra về
Ngày đầu tiên hạn chế mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong sáng 1/3, số lượng bệnh nhân tới xếp hàng chờ lấy số vào khám bệnh có phần giảm hơn so với những ngày trước đó. Trong đó, nhiều người đến làm thủ tục xin chuyển viện.
Tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Việt Đức, cầm trên tay 1 tập giấy tờ, anh Hoàng Ngọc Long – người nhà bệnh nhân H.V.S (quê ở Thanh Hoá) chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "Tôi đến viện để thanh toán viện phí và làm thủ tục chuyển viện cho người nhà. Trước đó, bác tôi bị ngã và đã bó bột tại Bệnh viện Việt Đức được hơn một tuần.
Tuy nhiên, sau khi ra về để điều trị tại nhà, bác vẫn bị đau nên ngày hôm qua gia đình tôi cho bác nhập viện để khám lại. Qua chẩn đoán, các bác sĩ kết luận bác tôi bị hở khớp cổ chân nên cần phẫu thuật đóng đinh cố định.
Tuy nhiên, đối với loại chấn thương của bác tôi, bệnh viện hiện tạm hoãn mổ, hẹn chờ 3-4 tuần nữa. Nhưng bác tôi đau đớn quá, làm sao có thể chịu đựng được. Do đó, tôi làm thủ tục thanh toán viện phí và xin chuyển viện để bác tôi sớm được mổ.
Do bệnh viện tạm ngưng mổ phiên nên tôi được tư vấn và hôm nay đến thanh toán viện phí và làm thủ tục để xin chuyển viện".
Anh Long cũng chia sẻ, gia đình đưa bác tận Thanh Hóa lên Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa là rất tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ nơi này. Nhưng giờ lại gặp chuyện trớ trêu, không được mổ nên phải chuyển viện.
"Tôi mong sớm chấm dứt tình trạng thiếu thốn vật tư này để người bệnh, người dân chúng tôi được nhờ. Ốm đau đã khó khổ lắm rồi, giờ lại còn chật vật đi tìm chỗ mổ", anh Long phàn nàn.
Tìm đến Bệnh viện Việt Đức để thăm khám, anh N.V.T (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Tôi được biết thông tin Bệnh viện Việt Đức sẽ tạm ngưng mổ phiên từ hôm nay nhưng do tình trạng bệnh của tôi ở mức nhẹ và chưa cần phẫu thuật nên tôi vẫn đến viện để khám tổng quát.
Ban đầu, do lo ngại sẽ có đông bệnh nhân đến khám nên tôi cũng tranh thủ đến sớm để tránh phải chờ lâu. Tới viện lúc 5h sáng, tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân xếp hàng chờ lấy số. Nhưng sau khi nói về bệnh trạng, được nhân viên y tế tư vấn, nhiều người đã ra về ngay. Có lẽ nhiều người chưa biết thông tin bệnh viện tạm hoãn mổ phiên".
Anh V.T cũng cho biết, việc bệnh nhân phải hoãn mổ phiên chỉ vì "thiếu hóa chất, vật tư y tế" trong khi thực tế các loại vật tư y tế này vẫn bán "đầy chợ" chỉ vì thủ tục, giấy tờ lằng nhằng khiến người bệnh phải chịu khổ là việc vô cùng phi lý.
"Như vậy có khác nào "chết khát trong bể nước". Mong rằng tình trạng này sớm được chấm dứt để những người bệnh không phải "kéo lê" tấm thân đau đớn đi từ viện nọ qua viện kia để tìm nơi điều trị nữa", anh V.T kiến nghị.
Hoãn mổ phiên, bác sĩ cũng ngậm ngùi
Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã phát đi thông báo, để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh cấp cứu, các khoa lâm sàng hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu, hạn chế tối đa các ca mổ phiên bắt đầu từ 1/3.
Nguyên nhân là do hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được.
Việc phẫu thuật sẽ ưu tiên cho việc mổ cấp cứu, trong đó bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định.
Hiện đang có hàng trăm bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ vì bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu.
Một bác sĩ khoa Phẫu thuật chấn thương của Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, hôm nay (ngày 1/3), khoa có 19 bệnh nhân đã được lên lịch mổ nhưng bệnh viện chỉ duyệt 6 ca. Các ca còn lại đều phải dời lịch mổ sang ngày khác.
Những bệnh nặng diễn biến cần mổ ngay sẽ được ưu tiên còn những bệnh nhân bị thoái hoá, chấn thương có thể trì hoãn thì phải dời lịch mổ. Thời gian chờ đợi có thể kéo dài đến 3-4 tuần nữa.
Với lo lắng bệnh nhân trong lúc chờ mổ thì bệnh sẽ nặng thêm, vị bác sĩ này cho biết, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân dùng nẹp, uống thuốc... Nếu bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn thì sẽ có khả năng bệnh diễn biến nặng hơn, từ 1 tổn thương có thể tăng lên 3-4 tổn thương. Do đó, rất cần người bệnh phối hợp, tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, tình trạng bệnh sẽ không nặng hơn.
Vị bác sĩ này cũng trấn an, với các bệnh nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe thì bệnh viện cũng sẽ cố gắng thu xếp để bệnh nhân không phải chờ đợi quá lâu. Tuy nhiên, không ít các ca mổ phiên, không đe dọa đến tính mạng, phải chờ cả tháng mới đến đến lượt mổ.
Đứng trước "cú sốc" của bệnh nhân và người nhà khi buộc phải xuất viện về nhà để chờ "không biết đến ngày nào" mới được mổ, các bác sĩ cảm thấy rất ái ngại nhưng không thể làm khác được.
"Rõ ràng bên ngoài thị trường vẫn có sẵn vật tư y tế nhưng bác sĩ không thể bán cho bệnh nhân, bệnh viện cũng không thể chạy "ra chợ" mua về rồi thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân được. Chúng tôi mong tình trạng này sớm được tháo gỡ để bệnh nhân bớt khổ và các bác sĩ chúng tôi chuyên tâm điều trị cho bệnh nhân mà không phải đứng trước tình cảnh éo le này", vị bác sĩ chia sẻ.
Một bác sĩ khác của Bệnh viện Việt Đức đau xót kể lại: "Tôi là một người thầy thuốc và vào đúng ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 nhưng lại phải cầm điện thoại lên báo tin cho từng bệnh nhân của mình là hoãn nhập viện, hoãn mổ. Quả là rất đau xót khi thay vì nghe lời chúc mừng, tôi lại phải nghe những câu như: "Bác sĩ ơi, có cách nào không chứ bố cháu đau lắm rồi, chờ lâu lắm rồi" hay "Nhà cháu vay mượn mãi mới đủ tiền mổ giờ lại phải hoãn là sao"… "Hoãn mổ lâu như vậy, con tôi bị nặng hơn thì phải làm sao?".
Thật không thể tin được tại một bệnh viện Ngoại khoa hạng đặc biệt lớn nhất và duy nhất của cả nước, mổ toàn những ca nặng nhất, khó nhất và nhiều nhất cả nước lại rơi vào cảnh thiếu hóa chất, vật tư y tế chỉ vì vướng các quy định, thể chế về mua sắm, đấu thầu. Chúng tôi mong có một cơ chế đặc thù để sớm chấm dứt tình trạng đau lòng này".
Trước đó, tại buổi tọa đàm "Ngành y vượt khó", GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật gần 80.000 ca, lượng tiêu hao vật tư y tế, hóa chất rất lớn.
Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê, có nhiều hóa chất, vật tư y tế đã cạn kiệt. Bệnh viện Việt Đức đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ, nhưng vẫn rất khó khăn.
Về nguyên nhân, GS Giang cho biết, những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy là do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm.
Kể từ năm 2015, Bệnh viện Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm (riêng máy móc xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng) rất khó khăn.
"Từ năm 2015, chúng ta đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó.
Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam.
Thế nhưng đến năm 2022, chúng ta lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn.
Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này. Nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy bây giờ chúng ta không còn hóa chất để làm", GS Giang chia sẻ.
Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và một số bệnh viện Trung ương về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, liên quan trực tiếp đến từng người dân. Các bộ, ngành phải làm hết sức quyết liệt, "trong tình huống cấp cứu thì phải rất kịp thời" bởi tình trạng văn bản còn có nhiều vướng mắc, bất cập.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Y tế là lĩnh vực đặc biệt, vì vậy, Bộ Y tế phải chủ động đề xuất chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt, chủ động tham gia trực trực tiếp vào xây dựng các quy định có liên quan đến lĩnh vực y tế cả các bộ, ngành khác".
Sau cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết: "Đến đầu tháng 3 này khi các văn bản được ban hành thì những vấn đề bức xúc về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế sẽ được giải quyết".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.