Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 25/02/2023 13:28 PM (GMT+7)
Đây là 1 trong 11 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tại Hội nghị triển khi công tác y tế năm 2023 vừa diễn ra.
Bình luận 0

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng đã giao 11 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành y tế tổng thể, toàn diện.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài". Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý "sợ sai", "làm ít sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.

Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền...

Vượt 3 chỉ tiêu quan trọng, đạt 3 thành tựu nổi bật, ngành y tế cần tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới - Ảnh 2.

Thủ tướng nhấn mạnh phải có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang xảy ra ở một số cơ sở y tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra còn 10 nhiệm vụ khác trong đó cũng có nhiều vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. 

Bao gồm:

Thứ nhất: Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ 2: Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...

"Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, con người, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí để tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ yên tâm làm việc, tránh tâm lý sợ sai, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi" - Thủ tướng yêu cầu.

Thứ 3: Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó dịch bệnh. Tiếp tục triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có giải pháp bảo đảm duy trì hiệu lực của vaccine. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp... Thực hiện hiệu quả kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học, các khu vực tập trung đông người, mùa lễ hội…; nghiên cứu xây dựng trạm y tế tại các khu công nghiệp.

Thứ 4: Triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện và người dân, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…

Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…

Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài" (Phẫu thuật điều trị ung thư tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC)

Thứ 5: Khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, làm căn cứ xây dựng, trình ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.

Thứ 6: Triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa cơ sở 2… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực y tế từ nguồn tăng thu và cho phép cơ sở y tế công lập được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thứ 7: Triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh việc triển khai Sổ y bạ điện tử kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa… Phối hợp với Bộ Công an khai thác hiệu quả Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục y tế, khám chữa bệnh cho người dân.

Thứ 8: Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu, các loại thuốc chữa bệnh trong nước có chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu....

Thứ 9: Làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, giảm gánh nặng cho công tác y tế; để người dân thấu hiểu, chia sẻ và đóng góp hoàn thiện chính sách y tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành; đồng thời, củng cố hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam.

Thứ 10: Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa các bộ ngành, các địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế. 

Thủ tướng khái quát trong điều kiện rất khó khăn của tình hình trong nước và ngoài nước, ngành y tế đã đạt 3 thành tựu nổi bật.

Thứ nhất, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19;

Thứ hai, từ đó, đất nước có điều kiện để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi nhanh và phát triển theo hướng bền vững;

Thứ ba, quốc phòng an ninh được bảo đảm và tăng cường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, uy tín và vị thế đất nước được nâng lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem