Nằm trên một ngọn đồi hướng ra Thung lũng Phobjikha, Gangtey Goemba là một trong những tu viện Nyingmapa lâu đời nhất và lớn nhất ở Bhutan. Tháng 11 hàng năm, trẻ em, nông dân và các nhà sư ở địa phương tụ tập trước sân của tu viện để chào mừng sự xuất hiện của một số "vị khách quý": sếu cổ đen, một trong những loài sếu quý hiếm nhất trên thế giới — vài trăm con di cư đến đây mỗi năm.
Lễ hội sếu cổ đen bắt đầu từ năm 1998, ngày càng thu hút nhiều du khách đến với thung lũng hẻo lánh này mỗi năm, tạo ra nguồn thu quý giá cho người dân địa phương.
Sự kiện diễn ra tại Gangtey Goemba cũng là cơ hội cho người dân Bhutan chào mừng sự xuất hiện của loài sếu, giới thiệu di sản văn hóa của họ thông qua các điệu múa và bài hát dân gian với các vũ công đeo mặt nạ, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề bảo tồn. Đối với du khách, đây chính là cơ hội để trải nghiệm một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của Bhutan.
Lễ hội sếu cổ đen, loài vật được tôn sùng như một biểu tượng của sự trường thọ
Những con sếu di chuyển từ khu vực sinh sản vào mùa hè trên Cao nguyên Tây Tạng đến thung lũng xinh đẹp Bhutan, đây là nơi chúng kiếm ăn bằng loại tre lùn mọc trong vùng đầm lầy núi cao của thung lũng. Trong những tháng mùa đông, khi chúng "đi về" giữa các trang trại và ngôi nhà nhỏ ở Phobjikha. Dường như chúng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người dân nơi đây.
Loài sếu cổ đen được tôn sùng như một biểu tượng của sự trường thọ. Đặc điểm nổi bật của loài chim thiêng này là chiếc mào đỏ như vương miện, cổ màu đen tuyền và sải cánh dài tới hơn 2 mét.
Sếu cổ đen còn là niềm cảm hứng lớn cho các câu chuyện dân gian và bài hát của Bhutan, cũng như được trang trí trên tường của các ngôi đền. Tại thung lũng Phobjikha, người dân rất tôn trọng và bảo vệ loài vật duyên dáng này, chúng được cho là sẽ mang lại mùa màng bội thu và cuộc sống thịnh vượng.
Trong những năm gần đây, Bhutan đã thực hiện nhiều chính sách để bảo vệ loài sếu quý hiếm này và thậm chí cả đường di chuyển của chúng đến thung lũng. Năm 2008, việc nối các đường dây điện đã đe dọa đường di cư của sếu, Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Hoàng gia (RSPN) - một tổ chức phi lợi nhuận ở Bhutan - đã vận động thành công để có một lưới điện ngầm thay thế.
RSPN cũng đã chỉ đạo các dự án với cộng đồng địa phương để đảm bảo sự chung sống hòa bình giữa loài sếu này và con người, chẳng hạn như tăng cường bảo vệ môi trường sống ở đất ngập nước. Đúng với triết lý của quốc gia hạnh phúc Bhutan, nhấn mạnh sự cân bằng hài hòa và bền vững giữa tăng trưởng kinh tế và các khía cạnh phi vật chất quan trọng đối với đời sống con người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.