BHXH tự nguyện cho lao động tự do: Dân ít biết, chính quyền chưa hay

Thứ tư, ngày 27/03/2013 10:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã gần 4 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cho lao động tự do (trong đó có nông dân, thợ thủ công...) nhưng đến nay số người mua bảo hiểm và hưởng lợi còn rất thấp.
Bình luận 0

Đề xuất mới đây của Bộ LĐTBXH về việc hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập trung bình tham gia BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ bằng 30% lương tối thiểu đang là niềm hy vọng để kéo lao động tham gia BHXH tự nguyện.

img
Lao động tự do có thể được hỗ trợ mua BHXH tự nguyện (ảnh minh họa).

Dân không hay, không biết

Bà Nguyễn Thị Hiền (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho hay: “Chúng tôi chưa nghe nói đến nông dân được tham gia BHXH tự nguyện”. Là gia đình thuần nông, bà cũng muốn được “như cán bộ”, được đóng BHXH để có tiền dưỡng già, lo cho tương lai. Mong muốn là vậy nhưng bà không biết làm thế nào để được mua BHXH: “Từ trước tới giờ chưa hề nghe ai nói hay chính quyền tư vấn về việc nông dân được đóng BHXH tự nguyện. Vì thế, dù có muốn đóng cũng không biết phải đóng thế nào, đóng bao nhiêu tiền?”.

Khi nghe phóng viên nói về chính sách BHXH tự nguyện, bà Hiền cũng rất thiết tha, mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân để bà được tham gia. Bà Nguyễn Thị Tỵ ở làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội thì cho hay, ngoài làm nông nghiệp, vợ chồng bà cũng làm thêm nghề làm hương. Về cơ bản, thu nhập của vợ chồng cũng đủ ăn đủ tiêu và nuôi các con ăn học.

Bà nói: “Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân, cùng lao động vất vả, vậy mà người ta đi làm, về già có lương hưu còn mình thì không. Sau này về già cũng chả biết trông cậy vào đâu. Vì thế, nếu Nhà nước có hỗ trợ thì dù có khó khăn thì vợ chồng tôi cũng sẽ cố tích cóp để mua BHXH để sau này còn có lương, an dưỡng tuổi già”.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng thôn Thượng, xã Quảng Phú Cầu cho biết, xưa nay nói tới lương hưu, BHXH, dân làng vẫn nghĩ chỉ dành cho cán bộ. Không ai nghĩ mình có thể mua được BHXH tự nguyện để có lương hưu. Ông Thắng cho rằng, thu nhập của người làng nghề khá tốt, nếu bỏ ra 100.000-200.000 đồng mua BHXH hàng tháng để có lương hưu thì nhiều người có thể mua được.

Thực hiện chính sách BHXH tự nguyện ở đồng bằng khó một thì việc triển khai chính sách ở khu vực miền núi lại khó mười. Ông Trần Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đích (Yên Minh, Hà Giang) nêu thực tế: Toàn xã có hơn 6.000 dân, trong đó 3.000 người đang trong độ tuổi lao động (90% là nông dân). Tuy nhiên, chưa có bất cứ một trường hợp nào tham gia BHXH tự nguyện.

“Bản thân tôi là cán bộ xã còn chưa hiểu BHXH tự nguyện là thế nào, chính sách ra sao, nói gì người dân”- ông thú thực. Ngoài ra, với đặc thù xã miền núi, ông Thắng thừa nhận khó khăn: “Thực tế trình độ nhận thức của bà con còn quá kém, đa phần đều chưa ý thức được lợi ích của việc tham gia BHXH. Trong khi đó thu nhập bình quân thấp (300.000 đồng/ người/tháng), tỷ lệ hộ nghèo lại cao (chiếm 1/6 số hộ) khiến bà con không thể tiếp cận chính sách”.

Hỗ trợ liệu có giúp khai thông

Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó phòng Chính sách BHXH (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, cả nước hiện đã có khoảng 140.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, theo cách tính của Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có tới gần 40 triệu lao động phi kết cấu (lao động không có hợp đồng lao động), trong đó có nông dân, thợ thủ công, lao động tự do… thì con số 140.000 này quả là quá ít ỏi.

Theo ông Cường, nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ lao động nghèo, chắc chắn số lượng người tham gia BHXH tự nguyện sẽ sớm đạt con số từ 3-5 triệu người! “Nhà nước nên hỗ trợ cho lao động tự do nghèo, người nội trợ... tham gia BHXH tự nguyện, để khi họ về già có lương hưu, tránh gây áp lực cho xã hội” - ông Cường đề xuất.

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), khi triển khai Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan chính sách đặt mục tiêu đạt 1 triệu người tham gia trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia hiện nay còn quá thấp nên Bộ đã đề nghị hỗ trợ lao động nghèo. Nếu được Chính phủ đồng ý, mức đóng BHXH tự nguyện của người lao động nghèo sẽ được giảm xuống (từ 20% mức lương tối thiểu vùng, khoảng 200.000 đồng/ tháng), họ chỉ phải đóng 70% (140.000 đồng), 30% còn lại (60.000 đồng) sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

Ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Sở dĩ nông dân chưa mấy mặn mà với BHXH tự nguyện là bởi việc truyền thông còn đại khái qua loa, chính quyền làm chưa tới nơi tới chốn nên dân không hiểu. Trong khi đó trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, kinh tế lại khó khăn không có tiền tích lũy, vì thế “cái khó bó cái khôn”. Như vậy, bên cạnh việc hỗ trợ, việc quan trọng không kém là giúp người dân hiểu được quy trình mua và hưởng BHXH tự nguyện.

Với đề xuất hỗ trợ 30% (so với lương tối thiểu) cho lao động có mức sống trung bình mua BHXH tự nguyện, ông Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng cần phải làm rõ nhiều khái niệm. Nếu không, chính sách có được ban hành cũng khó “khai thông” việc thực hiện. “Trước hết, Bộ LĐTBXH cần phải tính toán và trả lời được câu hỏi “Thế nào là thu nhập trung bình, có bao nhiêu người thuộc đối tượng trung bình? Mức hỗ trợ thế nào là hợp lý? Mức hưởng thụ ra làm sao?... Đặc biệt, cần xác định rõ lộ trình thực hiện thế nào? Có vậy thì việc thực hiện BHXH mới khả quan, chính sách mới phát huy hết tác dụng nhân văn của nó”- ông Lợi khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem