Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hội Các Chiến hữu Nghèo của Chúa Jesus và Đền Solomon (Poor Fellow-Soldiers of Christ and of the Temple of Solomon), thường được gọi tắt là Hiệp sĩ Dòng Đền hay Hiệp sĩ Đền Thánh (Order of the Knights Templar) ra đời từ đó. Họ vốn là những thầy tu nghèo – thề sống khắc khổ và đạo đức – song phải đứng ra tự vũ trang để bảo vệ dân lành trên các tuyến đường nguy hiểm tại Vương quốc Jerusalem mà những chiến binh Công giáo mới chiếm được sau cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất (1095 – 1099).
Với khởi đầu khiêm tốn như vậy, Hội sau đó đã phát triển thành một thế lực quân sự và kinh tài lớn mạnh nhất châu Âu, phần lớn nhờ vào hoạt động cho vay tiền (khai thác những khoản quyên tặng hào phóng từ khắp châu Âu). Họ đã sáng tạo ra một loại hình tín thư cho vay riêng – được xem là tiền thân của ngân hàng hiện đại, cùng nhiều phương pháp kế toán hết sức tiến bộ. Ở vào thời điểm đỉnh cao quyền lực, Dòng Đền nắm giữ trong tay một hạm đội tàu lớn, sở hữu đảo Síp, vô số dinh thự (lên tới hơn 9.000) và là chủ nợ chính của nhiều bậc quân vương, quý tộc châu Âu.
Các cuộc Thập tự chinh kết thúc vào năm 1291 sau khi thành Acre (thủ đô của Outremer) thất thủ trước lực lượng Hồi giáo Mameluke của Ai Cập. Hội Hiệp sĩ Dòng Đền bỗng chốc trở thành người thừa bởi sứ mệnh cùng lý do dẫn đến sự ra đời của họ là bảo vệ vùng đất Thánh. Vua Philip IV (1268 – 1314) của Pháp, vốn đang mắc nợ Dòng Đền một khoản lớn song không muốn trả, nhân lúc xáo trộn đã ra lệnh bắt giữ các thành viên của Hội tại Paris trong một cuộc đột kích vào rạng sáng ngày thứ sáu (13/10/1307). Giáo hoàng Clemens V (1264 – 1314), bị Philip IV gây sức ép, đã ban sắc lệnh giải thể Dòng Đền vào năm 1312. Năm 1314, Jacque de Molay – vị đại huynh trưởng cuối cùng của Hội Hiệp sĩ Dòng Đền – bị đưa lên giàn hỏa thiêu cùng ba người thân cận.
Giai thoại kể rằng: Molay trước khi chết đã không ngừng cầu nguyện và nguyền rủa Clemens V cùng Philip IV. Không biết có phải do lời nguyền linh ứng mà cả hai đều chết sau đó không lâu (Philip IV bị xuất huyết não sau một chuyến đi săn, Clemens V chết cháy trong một trận hỏa hoạn). Ba người con và cháu trai của Philip IV thay nhau lên nối ngôi vua song đều yểu mệnh và tuyệt tự. Điều này khiến vua Anh (hoàng tộc Plantagenet cai trị nước Anh từ thế kỷ 12 vốn có gốc gác tại vùng Anjou và Normandy) có cớ để đòi quyền thừa kế ngai vàng nước Pháp, dẫn đến cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337 – 1453) nổi tiếng trong lịch sử.
Theo một số tài liệu được tìm thấy trong văn khố của Tòa Thánh (Vatican) sau này, Dòng Đền trên thực tế đã không hề bị truy bức tận diệt. Tại Tây Ban Nha, rất nhiều thành viên của Hội vẫn được tự do, số khác thì chạy đến Scotland – nơi mệnh lệnh của Giáo hoàng không được công bố. Tuy nhiên, do mất đi giới tinh hoa lãnh đạo về mặt tinh thần lẫn kinh tế, bên cạnh việc tổng đàn ở Paris bị tịch thu, các hoạt động của Hội chỉ còn mang tính cục bộ hay diễn ra trong một khu vực nhất định. Năm 1319, vua Dionysiua (1261 – 1325) của Bồ Đào Nha cho thành lập dòng tu Đoàn Hiệp sĩ của Chúa Jesus (Military Order of Christ) để tiếp quản tài sản của Dòng Đền tại nước này. Cái tên Dòng Đền kể từ đó chỉ còn được nhắc đến trong sử sách.
Sang đến thế kỷ 18, Dòng Đền bỗng nhận được nhiều sự quan tâm trở lại. Một số tổ chức ra đời và tự xưng là người kế thừa Dòng Đền. Trong số những Dòng Đền “hiện đại” nổi tiếng nhất phải kể tới Dòng Đền phương Đông (Ordo Templi Orientis) và Dòng Hiệp sĩ Đền Thánh tại Jerusalem (Ordo Spremus Militaris Templi Hierosolymitani, viết tắt là OSMTH) – được thành lập vào năm 1705, do Napoléon Bonaparte công nhận, hiện có khoảng 5.000 thành viên với rất nhiều tu viện và tổ chức thiện nguyện độc lập. OSMTH không tự nhận là hậu duệ trực tiếp của Dòng Đền trong lịch sử mà chỉ kế thừa về mặt truyền thống và tinh thần. Dòng tu vì thế đã được Liên Hiệp Quốc (UN) công nhận và mời đóng vai trò cố vấn phi chính phủ.
Mặc dù phần lớn các sử gia đều khẳng định Hội Hiệp sĩ Dòng Đền đã bị giải thể hoàn toàn từ 700 năm trước, nhưng một số người theo thuyết âm mưu vẫn tin rằng Hội đã chuyển sang hoạt động bí mật và tồn tại đến tận bây giờ. Những câu chuyện huyền thoại về Dòng Đền đã trở thành niềm cảm hứng và được khai thác triệt để trong các cuốn sách, bộ phim cùng nhiều sản phẩm văn hóa đại chúng khác:
- Dòng Đền đã tìm thấy Chén Thánh khi chiếm đóng Núi Đền, cùng với hộp đựng Pháp điển của Chúa Jesus;
- Hạm đội Dòng Đền dưới sự chỉ huy của Bá tước Henry Sinclair (1345 – 1400) và nhà hàng hải Antonio Zeno người Ý đã rời cảng La Rochelle đi về hướng Bắc Mỹ và khám phá ra nơi này. Nicolo Zeno, hậu duệ của Antonio Zeno, đã công bố một bản viết tay và bản đồ của chuyến hành trình này vào năm 1558;
- Dòng Đền đã đặt chân tới một thuộc địa ở Nam Mỹ và khai thác bạc tại đây, sau đó biến bạc thành vàng nhờ tinh thông giả kim thuật (tìm thấy cùng Chén Thánh và hộp đựng Pháp điển của Chúa Jesus);
- Chính Dòng Đền đã đứng sau cuộc Cách mạng Pháp 1789;
- Dòng Đền vẫn tiếp tục hoạt động tại Scotland và đứng sau sự ra đời của Hội Tam Điểm (Freemasonry). Vì thế mà khi bắt đầu tăng cường sự hiện diện ở châu Âu vào thế kỷ 18, Hội Tam Điểm đã cho khôi phục lại một số biểu tượng và truyền thống của các Hiệp sĩ Dòng Đền;
- Dòng Đền đang nắm giữ một bí mật có thể hủy diệt cả Giáo hội Công giáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.