Thời gian gần đây, mọi người xôn xao với thông tin ở ngôi chùa có hòn đá mang tên “Tượng Bụt mọc” với khả năng “tự lớn” như cơ thể sống.
Tượng Bụt mọc nằm ở vị trí cao nhất của ngọn núi Bồ Đà. Tượng được hình thành từ khi nào đến những bậc cao niên nhất trong làng cũng không nhớ nổi. Tượng đá cao khoảng 1,6 mét, bán kính 0,8 mét, nhìn thoáng qua giống như một mũi tên nhọn hoắt đang đâm thẳng lên trời, nhưng càng nhìn càng thấy tượng giống hình một cô gái đang đứng, dõi đôi mắt ra xa xăm như chờ đợi điều gì đó. Bên dưới chân của hòn đá là những viên đá lớn nhỏ xếp lại với nhau giống như hình bông sen, tạo thành kệ vững chắc nâng đỡ cho viên đá.
|
Ông Kim cho biết hòn đá này tự lớn và đổi hướng mỗi năm |
Đá tự lớn, kêu vang như chuông đồng
“Cả khối hình quần thể giống như tượng Phật bà đứng trên tòa sen, mắt hướng về cảnh non nước thơ mộng của quần thể di tích lịch sử văn hóa núi kẽm Trống” - ông Trần Ngọc Kim, trưởng ban kiến thiết chùa Trinh Tiết, miêu tả về hòn đá có khả năng tự lớn. Ông Kim còn cho biết, bên dưới chân tượng Bụt mọc có một cái hang sâu hoắm nối từ đỉnh núi xuống tới… địa phủ. Khi đứng ở trên miệng cái hang đó mà nhìn xuống dưới thì thấy một màu đen kịt và mùi đất ngai ngái bốc lên. Khi tu bổ chùa Trinh Tiết, sợ du khách vô tình ngã xuống đó nên người dân đã cho lấp kín miệng hang. Vì vậy, bí ẩn về hang đá này vẫn mãi ẩn sâu trong lòng đất.
Ông Đỗ Văn Sỹ, trưởng thôn Động Xuyên, khẳng định đây là hòn đá “thiên tạo”, chưa có bất kỳ tác động nào của bàn tay con người từ trước đến nay. Ông Sỹ còn quả quyết chuyện tượng Bụt mọc "tự lớn" là hoàn toàn có thật. Ông kể lại: “Hồi còn bé, tôi thường cùng với đám trẻ trong làng dắt trâu lên ngọn núi Bồ Đà này. Lúc ấy hòn đá mới cao đến lưng người, giờ thì đã cao tới ngang vai. Khi có một vật cứng nào khác tác động vào, hòn đá còn phát ra tiếng kêu trầm, vang như tiếng chuông đồng”. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Sỹ liền lẩm nhẩm khấn vái rồi lấy một viên đá khác đập vào tượng Bụt mọc thì quả nhiên, tượng Bụt mọc phát ra tiếng kêu khá trầm và vang.
|
Lật giở lại lịch sử của ngôi chùa |
Khu mộ chôn tượng trên đỉnh núiTrên đỉnh núi Bồ Đà, gần tượng Bụt mọc, còn có một lăng mộ tên là Lăng Quy tượng. Trong lăng mộ đó có rất nhiều tượng cổ. Mỗi pho tượng cao từ 80cm đến 1 mét với nhiều chất liệu khác nhau như đá, gỗ, đồng…Cách đây chừng chục năm, nhà chùa cùng chính quyền địa phương đã cho quy tập những pho tượng này lại và chôn trên đỉnh núi. Vì những ngôi mộ này chôn tượng nên người dân đặt cho khu mộ là Lăng Quy tượng.
Ông Trần Ngọc Kim, khẳng định: "Câu chuyện hòn đá nằm trên đỉnh chùa tự lớn được mọi người biết đến từ hàng trăm năm nay. Các cụ bô lão trong làng vẫn truyền tai nhau về câu chuyện ly kỳ này. Tôi biết đến hòn đá tự lớn từ khi còn là một cậu bé theo bà lên chùa lễ Phật. Hòn đá này mỗi năm “lớn” lên vài phân. Ngoài ra, mỗi năm hòn đá còn tự đổi hướng một lần
Theo các cụ bô lão trong làng, vào thời kỳ chiến tranh chống Pháp, hòn đá quay mặt về hướng đông nam. Nhưng đến nay, hòn đá lại quay mặt về hướng đông bắc. Chính vì thế, người dân mới đặt tên cho hòn đá là tượng Bụt mọc. Tuy nhiên, việc đo xem mỗi năm hòn đá lớn thêm bao nhiêu thì chưa ai làm".
Những câu chuyện khó tin
Tìm hiểu về hòn đá sinh trưởng ở chùa Trinh Tiết, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện kỳ lạ mà hòn đá này tạo ra. Người dân trong vùng kể rằng, thi thoảng vào những ngày rằm trăng sáng, trên đỉnh núi Bồ Đà lại phát ra tia sáng lập lòe. Mọi người cho rằng, tia sáng đó phát ra từ tượng Bụt mọc.
Bà Dương Thị Hương, người dân làng Động Xuyên, đã có hơn 70 năm gắn bó với ngọn núi Bồ Đà, kể lại: "Ngày còn bé, tôi cùng đám trẻ trong làng hay rủ nhau lên núi chơi. Trên núi có nhiều cây thuốc giá trị nhưng không ai dám hái, đặc biệt là những cành cây mọc ở gần tượng Bụt mọc. Đã có nhiều người chủ quan, tỏ ra không sợ trời, sợ đất, cả gan buông lời xúc phạm tượng Bụt mọc. Sau đó, những người này đều bị ốm thập tử nhất sinh”.
|
Hòn đá "sinh trưởng" ở chùa Trinh Tiết |
Bà Hương kể thêm: "Cách đây 3 năm, đứa cháu trai theo tôi đi lễ chùa Trinh Tiết. Lên tới gần tượng Bụt mọc, thấy có khóm cây phong lan mọc trên vách đá hoa nở rất đẹp, cháu tôi định hái nhưng tôi nhất quyết can ngăn. Tuy nhiên với bản tính hiếu động, nó vẫn hái trộm khóm phong lan về trồng. Đem về nhà được mấy hôm, bỗng nhiên thằng bé lăn ra ốm, bác sĩ khám cũng không xác định được nguyên do. Nghĩ đến việc đứa cháu vừa làm, tôi liền đem lễ đến chùa cầu khấn và trồng lại khóm phong lan vào chỗ cũ. Sau đó, cháu tôi không cần uống thuốc cũng dần dần khỏi bệnh".
Trong vùng có ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi) nổi tiếng là bạo dạn. Ông không tin vào bất cứ chuyện gì liên quan đến thánh thần. Ông Nam kể, 13 năm về trước trong một lần lên tượng Bụt mọc chơi, ông để quên chiếc bật lửa ở đó. Khi quay lại tìm chiếc bật lửa, ông bỡn cợt buông lời trách: “Nếu Phật có linh thiêng tại sao thấy tôi để quên bật lửa lại không nói cho tôi biết?”.
Về nhà, tự nhiên ông Nam lăn đùng ra ốm. Người nhà đưa ông đi khắp các bệnh viện, uống bao nhiêu loại thuốc mà không khỏi. Tưởng đã bó tay trước số phận, vợ con đem ông về nhà chăm sóc và chờ ngày ông từ giã cõi đời. Có người lúc đó đi cùng ông lên chùa, nghe thấy lời ông trách Phật, mới bảo vợ con ông Nam thử sắm lễ lên tượng Bụt mọc cầu khấn. Quả nhiên, sau khi sám hối xong, ông Nam bỗng nhiên khỏe mạnh trở lại. Từ đó ông không dám coi thường tượng Bụt mọc trên chùa Trinh Tiết nữa.
Năm ngoái, có người đàn ông tên là Cao Văn Sơn từ tỉnh Tuyên Quang xuống thăm người thân tại làng Động Xuyên. Khi đi qua chùa Trinh Tiết, thấy cảnh đẹp mới vào vãn cảnh. Lúc thắp hương, anh Sơn buột miệng nói: “Hương Bụt lại thắp cho Bụt”. Vừa về đến nhà, anh Sơn đã nằm lăn ra giường vật vã, kêu gào như người lên cơn động kinh. Người nhà biết chuyện phải đem lễ lên chùa khấn mới khỏi bệnh.
Đấy chỉ là 3 trong rất nhiều trường hợp mà chúng tôi được nghe khi tìm hiểu về sự "linh thiêng" của bức tượng Bụt mọc này. Không biết có gì chứng minh sự liên quan giữa việc ốm đau của những người kể trên với bức tượng đá hay không, tuy nhiên, người dân trong vùng vẫn coi đó là những bài học “nhớ đời” cho tất cả những ai có ý định xâm phạm hoặc thiếu tôn trọng nơi lễ Phật.
Nguồn gốc chùa Trinh TiếtVào giai đoạn hậu kỳ nhà Trần, Hồ Quý Ly nổi dậy ép vua Trần Thuận Tông đi tu ở Cung Bảo Thanh và nhường ngôi lại cho thái tử Trần Án lúc đó mới 3 tuổi. Lúc đó, võ tướng Nguyễn Bằng được lệnh cho đem công chúa Trần Thị Bạch Hoa vừa tròn 17 tuổi chạy trốn. Khi đến dòng sông Đáy (đoạn tỉnh Hà Nam), công chúa lên bờ chọn núi Bồ Đà thuộc dãy Cầm Long làm nơi ẩn dật. Trên núi này có một ngôi chùa hoang, lâu ngày không có ai đèn nhang, tụng niệm. Lúc đầu chùa có tên Phật Tích, sau khi công chúa Bạch Hoa mất đi, chùa đổi tên là Trinh Sơn Tự, hay còn được gọi là chùa Trinh Tiết.
Góc nhìn của nhà khoa học
Trao đổi với chúng tôi về hòn đá sinh trưởng ở chùa Trinh Tiết, Th.S Trần Mạnh Tuấn (Phòng Thông tin lịch sử, dân tộc và tôn giáo - Viện Thông tin khoa học xã hội) cho biết chùa Trinh Tiết có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời.
Đây là di tích lịch sử văn hóa liên quan đến triều đại nhà Trần. Những di tích trong khuôn viên chùa còn khá nhiều, bản thân ngôi chùa cũng gắn liền với nhiều truyền thuyết, trong đó có truyền thuyết về hòn đá ở trên đỉnh chùa. Để biết được hòn đá ấy có khả năng đặc biệt “tự lớn” hay không thì cần phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu công phu của các nhà khoa học. Hiện tại, chưa có tài liệu nào có thể chứng mình hòn đá này “tự lớn” qua các năm. Nếu như truyền thuyết này là thật, thì đó là chuyện “có một không hai” xảy ra trên thế giới.
Th.S Nguyễn Văn Học - Trưởng Phòng Phân tích khoáng thạch học, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường - cho rằng: "Đó có thể là “sản phẩm” của trí tưởng tượng dân gian nhằm tạo thêm sự linh thiêng, huyền bí cho ngôi chùa. Tượng Bụt mọc "tự lớn" cũng có khả năng là do địa chất ở khu vực đó thay đổi, làm cho ngọn núi cao lên hoặc xoay chuyển hướng. Tuy nhiên, để biết hiện tượng đó có hay không thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhà địa chất mới có thể tìm ra nguyên nhân chính xác của sự việc".
Đại đức Thích Thanh Hưng, trụ trì chùa Trinh Tiết, cũng cho rằng: "Để kiểm định chính xác việc tượng Bụt mọc tự lớn thì phải nhờ đến các nhà khoa học vào cuộc. Nhưng dù truyền thuyết về hòn đá này có thật hay không thì từ hàng trăm năm nay, người dân Động Xuyên vẫn coi tượng Bụt mọc là biểu tượng của sự linh thiêng vĩnh cửu".
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.