Bí ẩn hồ xương người khổng lồ chứa hàng trăm bộ hài cốt ở độ cao hơn 5.000m.
Nằm trên dãy Himalaya của Ấn Độ là một hồ nước hẻo lánh ẩn mình trong thung lũng đầy tuyết với hàng trăm bộ xương người. Đó là hồ Roopkund ở độ cao 5.029m so với mực nước biển, thuộc núi Trisul. Đây cũng là một trong những ngọn núi cao nhất Ấn Độ ở bang Uttarakhand.
Do chứa hàng trăm bộ hài cốt nên người ta còn gọi là "hồ xương người". Phần còn lại nằm rải rác xung quanh và bên dưới lớp băng dày. Nơi này được một nhân viên tuần tra của Anh phát hiện ra vào năm 1942.
Tùy thuộc vào mùa và thời tiết trong năm, hồ hầu như đều đóng băng. Chỉ khi nắng mặt trời làm tan chảy lớp băng dày, những bộ xương lại hiện ra rõ mồn một và được bảo quản tốt.
Đến nay ước tính khoảng 600 đến 800 bộ hài cốt được tìm thấy tại đây. Trong các chương trình quảng bá du lịch, chính quyền địa phương lại mô tả nó là "hồ nước bí ẩn".
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, các nhà nhân chủng học và nghiên cứu phân vân trước hàng loạt câu hỏi, số hài cốt này của ai, họ chết khi nào và đến từ đâu?
Một trong những giả thuyết liên quan tới vị vua Ấn Độ cùng vợ và những người hầu cận. Tất cả đã tử nạn trong một trận bão tuyết khoảng 870 năm trước.
Một số ý kiến khác cho rằng, số hài cốt này là của những người lính Ấn Độ cố gắng xâm lược Tây Tạng vào năm 1841 và bị đáp trả. Hơn 70 người trong số họ phải tìm đường về nhà trên dãy Himalaya và tử nạn trên đường đi. Một giả thiết khác lại nhận định đây có thể là nghĩa trang nơi các nạn nhân của trận dịch bệnh được chôn cất.
Theo kết quả nghiên cứu trước đây về số hài cốt đã phát hiện rằng, hầu hết người chết đều cao, tức là có tầm vóc hơn trung bình. Hầu hết họ là người trưởng thành ở độ tuổi trung niên từ 35 đến 40. Không có hài cốt của trẻ sơ sinh hay trẻ em. Một số khác là phụ nữ lớn tuổi. Tất cả đều có sức khỏe khá tốt.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất kéo dài 5 năm với sự tham gia của 28 đồng tác giả đến từ 16 tổ chức có trụ sở ở Ấn Độ, Mỹ và Đức cho thấy, những giả định trên có thể đều không đúng.
Theo nghiên cứu, hầu hết các bộ hài cốt có độ tuổi trung niên từ 35 đến 40
Nhóm nghiên cứu phân tích di truyền và xác định niên đại bằng carbon của 38 thi thể, trong đó có 15 phụ nữ, thì thấy một số có niên đại khoảng 1.200 năm.
Họ phát hiện ra rằng, những người chết đều đa dạng về mặt di truyền và cái chết của họ cách nhau khoảng 1.000 năm.
"Hiện chưa rõ chuyện gì đã xảy ra ở hồ Roopkund, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng cái chết của những cá thể này không thể giải thích dựa trên một sự kiện duy nhất. Chưa có lời giải thích nào liên quan tới sự kiện thảm khốc dẫn tới cái chết của họ", bà Eadaoin Harney, tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là một nghiên cứu sinh đến từ trường Đại học Harvard, cho biết.
Thú vị hơn, nghiên cứu di truyền học cho thấy những người chết gồm nhiều nhóm người. Đó là nhóm có di truyền tương tự như sống ở vùng Nam Á, trong khi nhóm còn lại "liên quan mật thiết" với người sống tại châu Âu ngày nay, đặc biệt là người sống ở đảo Crete của Hy Lạp.
"Một số người trong số họ có tổ tiên phổ biến hơn ở các nhóm từ phía bắc của tiểu lục địa, trong khi những người khác có tổ tiên từ các nhóm phía nam", bà Harney nói.
Vậy phải chăng những nhóm người đa dạng này đã tới hồ Roopkund theo từng đợt nhỏ trong khoảng thời gian vài trăm năm? Và một số người trong số họ đã chết trong cùng một sự kiện?
Đáng chú ý là, hồ Roopkund không nằm trên tuyến đường thương mại, cũng không có bằng chứng về sự hiện diện của bất cứ mầm bệnh vi khuẩn cổ đại nào để giải thích cho nguyên nhân tử vong hàng loạt.
Cuộc hành hương có thể giải thích tại sao mọi người đi qua khu vực này. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, một số hài cốt trong hồ là kết quả của sự kiện "chết tập thể" khi đang trên đường hành hương.
Nhưng làm thế nào những người từ phía đông Địa Trung Hải lại tới một hồ nước hẻo lánh ở vùng núi cao nhất tại Ấn Độ? Phải chăng những người từ châu Âu đã tìm tới hồ Roopkund để tham gia cuộc hành hương của người Hindu?
"Hiện chúng tôi vẫn đang tìm kiếm câu trả lời cho bí ẩn này", bà Harney nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.