Bí ẩn "ma sói" từng khiến nước Pháp khiếp đảm hồi thế kỷ 18

Vũ Hoàng Thứ sáu, ngày 13/05/2022 21:13 PM (GMT+7)
Người dân khắp các vùng nông thôn Pháp thập niên 1700 đều hoảng sợ khi nghe đến cái tên "quái vật vùng Gévaudan".
Bình luận 0

Vào một ngày tháng 6/1764, Jeanne Boulet, một cô bé chăn cừu 14 tuổi, đưa bầy gia súc tới thả giữa thung lũng cây cối rậm rạp gần sông Allier, vùng Gévaudan, miền trung nam Pháp. Hôm sau, thi thể với nhiều thương tích của Boulet được phát hiện, dường như là do sói tấn công.

Cái chết của Boulet không phải là điều bất thường ở thời điểm đó. Trẻ em Pháp khi ấy thường chăn cừu hoặc gia súc một mình và chó sói là mối đe dọa thường trực với chúng.

Nhưng những trường hợp tử vong tương tự Boulet với vô số vết thương nghiêm trọng liên tục được báo cáo sau đó. Dù sinh vật chết chóc này là gì, nó cũng hung dữ hơn rất nhiều so với loài sói bình thường. Những lời đồn thổi về "ma sói" bắt đầu xuất hiện. Mọi người khiếp sợ gọi sinh vật bí ẩn này là "la bête", hay "quái vật".

Bí ẩn quái vật từng được người Pháp ví là "Napoleon của loài sói" - Ảnh 1.

Các vụ tấn công của "Ma sói", "Quái vật vùng Gévaudan", được mô tả trong một bức tranh thế kỷ 18. Ảnh: Wikimedia Commons.

Nó khủng bố người dân vùng Gévaudan trong suốt ba năm, giết chết khoảng 100 nạn nhân, dù nhiều nguồn cho rằng tổng số người thiệt mạng có thể lên tới 300. Từ năm 1764 đến 1767, hơn một trăm con sói đã bị giết ở Gévaudan, nhưng các học giả đến nay vẫn đang cố gắng xác định liệu chúng có thực sự là thủ phạm hay không.

Hạt Gévaudan thuộc vùng cao nguyên hiểm trở Trung Massif, nằm giữa vùng Auvergne và Languedoc của Pháp. Đây là vùng đất của những khu rừng rậm và cao nguyên quanh năm mưa như trút. Gévaudan từng rất thịnh vượng, nhưng các cuộc chiến tranh vào thế kỷ 16 đã tàn phá nặng nề nền kinh tế vùng nông thôn. Dân địa phương trở nên nghèo khó và sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi gia súc.

Sau cái chết của Boulet và hàng chục trường hợp khác, những người chăn cừu trẻ tuổi đã tập hợp lại thành từng nhóm, nhưng con quái thú không nao núng trước số lượng của họ. Các cuộc tấn công dã man vẫn tiếp tục, cướp đi sinh mạng của hầu hết phụ nữ và trẻ em. Vào mùa thu năm 1764, lời đồn về con quái vật đáng sợ đã vượt khỏi Gévaudan lan ra toàn nước Pháp.

Con quái thú trở thành nỗi ám ảnh trên toàn quốc dưới bàn tay của biên tập viên tờ báo Courrier d'Avignon, François Morénas. Cuộc chiến tranh Anh - Pháp kết thúc vào năm 1763 khiến Morénas rơi vào cảnh "đói tin". Từng rất thành công với tin giật gân, Morénas đã đăng những câu chuyện về quái vật Gévaudan nhằm tăng doanh thu của tờ báo và lan truyền thông tin về sinh vật này trên khắp cả nước.

Những cuộc tấn công của sinh vật bí ẩn đã tạo ra nỗi khiếp sợ và cơn khủng hoảng càng bị kích động bởi những lời tường thuật đầy kịch tính của các phóng viên từ báo Courrier d'Avignon.

Một bài viết mô tả con quái vật có tốc độ đáng kinh ngạc. Một bài khác nói nó có ánh mắt của ma quỷ. Những bài viết khác lại khẳng định rằng nó sở hữu trí thông minh của một "đấu sĩ khôn ngoan, uy dũng và thiện chiến". Vào cuối năm 1764, các bài viết của Morénas còn so sánh con thú với Sư tử Nemean thần thoại hay những loài quái vật đáng sợ trong truyền thuyết khác.

Ngoài lời mô tả khủng khiếp về chính con quái vật, các bài báo cũng dẫn lời kể của những người sống sót về các cuộc chạm trán với nó. Tháng 1/1765, một nhóm thiếu niên được cho là đã gặp quái vật Gévaudan và chống trả bằng gậy. Vào tháng 3 cùng năm, Jeanne Jouve đã chiến đấu để bảo vệ ba con của mình trước cuộc tấn công của quái thú. Một trong 3 đứa trẻ, 6 tuổi, đã chết vì vết thương quá nặng. Một trong những cái tên nổi tiếng nhất là Marie-Jeanne Vallet, người đã chiến đấu với con quái vật, dùng lưỡi lê đâm vào ngực nó.

Đối với một số người, bắt được con quái vật sẽ là cú hích lớn đối với danh tiếng và sự nghiệp của họ. Jean-Baptiste Duhamel, chỉ huy lực lượng quân sự địa phương, đã tuyển mộ hàng nghìn người giúp ông ta săn lùng sinh vật kỳ bí vào mùa thu năm 1764.

Dựa trên lời kể về những sọc đen dài trên lưng con quái vật, Duhamel suy đoán nó không phải sói, mà là một con mèo lớn. "Sinh vật này là một con quái vật có cha là sư tử, mẹ thì chưa rõ", Duhamel suy đoán. Nhưng dù đã cố gắng hết sức, Duhamel vẫn không thể bắt được nó.

Đến đầu năm 1765, những câu chuyện kịch tính về quái vật Gévaudan tiếp tục thu hút sự chú ý của Vua Louis XV. Ông ban thưởng hậu hĩnh cho nhóm cậu bé đã chiến đấu với con quái vật bằng gậy và cho thủ lĩnh nhóm được đi học miễn phí. Vào tháng 3, nhà vua cử những thợ săn hoàng gia đến để bẫy con thú. Một thợ săn sói Normandy nổi tiếng, Jean-Charles Vaumesle d'Enneval, được chỉ định dẫn đầu nhiệm vụ, nhưng anh ta cũng không thành công.

Lo lắng vì cuộc săn lùng không đạt kết quả, Vua Louis XV đã cử cận vệ thân tín của mình là sĩ quan kỳ cựu François Antoine đảm nhận nhiệm vụ. Ngày 21/9/1765, nhóm của Antoine đã giết chết một con sói lớn mà họ tin rằng đó là quái vật Gévaudan. Xác con thú được gửi đến Paris và Antoine được tưởng thưởng.

Tuy nhiên, hai tháng sau, "ma sói" tái xuất và các cuộc tấn công lại tiếp diễn. Từ tháng 12/1765 đến tháng 6/1767, có thêm 30 trường hợp tử vong được báo cáo. Nỗi sợ hãi lại rình rập Gévaudan một lần nữa, ngoại trừ lần này, người dân địa phương phải tự lo liệu. Xấu hổ trước thất bại của mình, nhà chức trách tỏ ra không quan tâm, thậm chí báo chí cũng mất hứng.

Ngày 19/6/1767, thợ săn địa phương Jean Chastel bắn chết một con thú lớn. Kể từ đó, những cuộc tấn công dừng lại. Các nhân chứng mô tả sinh vật bị giết giống như sói, nhưng kỳ lạ là nó có một cái đầu "quái dị" và một bộ lông ba màu đỏ, trắng, xám mà những người thợ săn chưa từng thấy trên những con sói trước đây.

Trong những thế kỷ tiếp theo, hàng loạt lời giải thích đã được đưa ra về nguyên nhân dẫn tới những cái chết kinh hoàng ở vùng Gévaudan. Một trong những nguyên nhân có nguồn gốc siêu nhiên: "Ma sói". Khoa học đã loại trừ điều này nhưng truyền thuyết vẫn tồn tại suốt nhiều năm, có lẽ vì tin đồn rằng Chastel đã bắn quái thú Gévaudan bằng một viên đạn bạc.

Những người theo thuyết âm mưu gần đây suy đoán một kẻ giết người hàng loạt có thể đã gây ra tội ác ở Gévaudan. Kẻ này đã huấn luyện những loài thú dữ thay hắn sát hại các nạn nhân. Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng ý tưởng trên quá xa vời.

Câu trả lời nhận được nhiều ủng hộ nhất đến từ thế giới động vật. Không ít người cho rằng con quái vật có thể là một sinh vật không có nguồn gốc từ Pháp, như một con linh cẩu. Nhà sinh vật học Karl-Hans Taake gần đây đưa ra suy đoán con thú là một con sư tử đực bỏ trốn, có bờm chưa trưởng thành trông lạ lẫm đối với cư dân vùng nông thôn nước Pháp. Theo Taake, con sư tử cuối cùng đã chết sau khi ăn phải mồi tẩm độc được đặt khắp vùng Gévaudan.

Nhà sử học Jay M. Smith đề xuất một giả thuyết ít kỳ lạ hơn: Sinh vật bí ẩn có vẻ là những con sói lớn. Những câu chuyện bóp méo của báo chí và tâm lý hoảng loạn của quốc gia đã tạo ra "quái vật vùng Gévaudan" cùng những thông tin cường điệu đi kèm với nó.

Một thế kỷ sau cuộc tấn công cuối cùng, Robert Louis Stevenson, tác giả cuốn "Đảo giấu vàng", tiểu thuyết phiêu lưu dành cho thanh thiếu niên nổi tiếng, đã đi qua Gévaudan và mô tả về nỗi thất vọng của bản thân trước cách thế giới đang thay đổi.

"Đây là vùng đất của con quái vật không thể nào lãng quên, Napoléon Bonaparte của loài sói". Bây giờ đường sắt đã đến, "bạn có thể sẽ không bao giờ gặp được một cuộc phiêu lưu xứng đáng với tên của nó nữa", ông viết.

Thế giới hiện đại có thể đã len lỏi vào Gévaudan, nhưng danh tính thực sự của con quái vật rất có thể sẽ không bao giờ được giải đáp, mang lại một bầu không khí bí ẩn vĩnh viễn cho vùng hoang dã này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem