Dãy ký hiệu chìa khóa
Tờ New York Times bình luận, ký hiệu BB670 vẫn có thể được quan sát thấy trên mảnh vỡ máy bay trôi dạt vào hòn đảo Reunion của Pháp tại Ấn Độ Dương là một đầu mối quan trọng để giải mã bí ẩn vụ mất tích của chuyến bay MH370 cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn.
Theo nhà điều tra từng làm việc tại Cục An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, ông Greg Feith, thông thường, các nhà sản xuất đều in thẻ dữ liệu, thông tin vào mỗi bộ phận của máy bay mà họ chế tạo, ngoại trừ những thứ nhỏ nhặt như ốc vít. Đó có thể là một dãy seri, những con số, mã vạch hoặc các thông tin khác. Đây chính là dữ liệu dễ nhất để nhận biết chủng loại của chiếc máy bay. Các hãng hàng không luôn phải lưu trữ lại mọi dữ liệu về các phi cơ họ sở hữu.
Ông Martin Dolan, một quan chức của Cục An toàn Giao thông Úc, người tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370 ngoài khơi bờ biển Tây Úc cũng cho hay, chỉ cần xác định những thông số kể trên thì trong vòng 24 giờ là có thể nhận dạng được liệu mảnh vỡ có phải là một phần của chiếc máy bay mất tích trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh ngày 8.3.2014 hay không.
Các nhà điều tra đưa mảnh vỡ đi giám định
Nhiều chuyên gia cho rằng, mảnh vỡ máy bay vừa trôi dạt vào đảo Reunion trông rất giống với phần cánh của một chiếc Boeing 777.
Chẳng hạn, ông Xavier Tytelman, một chuyên gia về an ninh hàng không khẳng định, mảnh vỡ vừa tìm được "giống một cách đáng kinh ngạc" bộ phận cánh của Boeing 777. Một quan chức Pháp và Mỹ giấu tên theo sát cuộc điều tra về sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 cũng đưa ra nhận định tương tự.
Mảnh vỡ máy bay vừa trôi dạt vào đảo Reunion dài khoảng 2,7 m và rộng khoảng 1m và dường như đã bị ngâm trong nước trong một thời gian rất dài.
Cục An toàn Hàng không Pháp BEA ngày 29.7 cho biết, họ đang phối hợp với các đối tác Malaysia và Úc để nghiên cứu thông tin về mảnh vỡ máy bay vừa được phát hiện trên đảo Reunion.
Đề cập đến dãy ký hiệu được phát hiện trên mảnh vỡ, ông Tytelman cho biết, đó không phải là số đăng ký hoặc số serial của một chiếc máy bay, nó có thể là số bảo dưỡng. Tuy nhiên, rõ ràng nó sẽ giúp quá trình nhận dạng chiếc máy bay nhanh chóng hơn. Nếu không tìm được dãy ký hiệu trên mảnh vỡ máy bay, quá trình nhận dạng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Ký hiệu BB670 trên mảnh vỡ máy bay vừa được tìm thấy được xem là chìa khóa để xác định nó có phải là của MH370 hay không
.
Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở tổng cộng 239 người mất tích ngày 8.3.2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Bất chấp chiến dịch tìm kiếm có quy mô quốc tế diễn ra hơn một năm qua, không một manh mối nào liên quan đến MH370 được tìm thấy.
Chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích được thực hiện trên một khu vực rộng hơn 60.000 km2 ở ngoài khơi bờ biển Tây Australia. Trong khi đó, đảo Reunion nằm khá xa khu vực tìm kiếm MH370 và từng có một số vụ tai nạn máy bay đã xảy ra gần hòn đảo Ấn Độ Dương này.
Người nhà nạn nhân nóng lòng chờ tin
Sau khi các phương tiện truyền thông đồng loạt đăng tải thông tin tìm thấy mảnh vỡ nghi là của MH370, thân nhân của nhiều nạn nhân người Trung Quốc có mặt trên chuyến bay mất tích lên tiếng bày tỏ sự thất vọng vì không được giới chức trách cung cấp thông tin kịp thời.
Theo tờ South China Morning Post, ngay đêm qua (29.7), một số người thân của nạn nhân MH370 đã liên lạc với các phóng viên của báo này để hỏi liệu mảnh vỡ vừa được tìm thấy có phải là của MH370.
Anh Steve Wang có mẹ mất tích theo chuyến bay xấu số chỉ trích các nhà chức trách đã không thông báo với thân nhân của các nạn nhân về tiến triển điều tra vụ MH370 mất tích.
"Họ thực sự làm rất kém (trong công tác thông tin). Chúng tôi chỉ nắm được tất cả thông tin (liên quan đến vụ việc) nhờ đọc tin tức trên Internet", anh Wang chia sẻ.
Anh Steve Wang (trái) chia sẻ, người thân của các nạn nhân vụ MH370 chỉ nắm được mọi thông tin liên quan đến vụ việc qua Internet
Bà Dai Shuqin, người mất con gái, con rể, cháu ngoại và vợ chồng em gái sau khi MH370 biến mất chia sẻ: "Chúng tôi đã rơi vào tình huống này (bị bưng bít thông tin) nhiều lần. Chẳng hạn, hôm nay chúng tôi nghe về một phát hiện mới, thì ngay ngày hôm sau họ phủ nhận. Vì thế, lúc này, tôi cảm thấy rất hoài nghi. Tuy nhiên, việc tìm thấy mảnh vỡ nghi là của MH370 vẫn khiến tôi lo lắng không yên kể từ khi tôi đọc được thông tin này".
Bà Shuqin cũng lo sợ rằng việc phát hiện ra mảnh vỡ lần này sẽ lại nhen nhóm hy vọng hão huyền mới.
Trong khi đó, Xu Jinghong, có mẹ trên chuyến bay xấu số cho biết, cô nghi ngờ mảnh vỡ máy bay vừa được tìm thấy không phải là của MH370.
"Tôi cảm thấy rất khó tin. Thông tin đó mâu thuẫn với cuộc điều tra diễn ra trong cả năm qua. Họ từng tuyên bố chiếc máy bay đã rơi xuống biển một cách nguyên vẹn, vậy sao bây giờ lại có mảnh vỡ? Và vị trí mà mảnh vỡ này được tìm thấy không tương ứng với dòng chảy của đại dương", Xu nhấn mạnh.
"Chúng tôi muốn có xác nhận chính thức rằng nó có thuộc về MH370 hay không", cô nói thêm.
Trong một tuyên bố, hãng hàng không Malaysia Airlines cho rằng, còn quá sớm để suy đoán về nguồn gốc của mảnh vỡ được tìm thấy ở đảo Reuion, cách bờ biển phía đông Madagascar khoảng 940 km.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết nước này đã cử một nhóm chuyên gia tới hòn đảo để giám định mảnh vỡ.
Chính phủ Úc cho hay, nếu xác nhận mảnh vỡ trôi dạt vào đảo Reunion là của MH370 thì phát hiện này hoàn toàn khớp với cuộc tìm kiếm trước đây.
"Trong trường hợp mảnh vỡ trên đảo Reunion được xác nhận là của MH370, nó sẽ khớp với những phân tích và mô hình hóa nơi máy bay rơi ở phía nam Ấn Độ Dương", nhà chức trách Úc tuyên bố.
Phương Đăng (Theo BBC, SHM, SCMP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.