Ngày 8/3, bảo báo cáo tạm thời do nhà chức trách Malaysia công bố đã tiết lộ một thông tin mới gây chấn động, đó là bộ pin dành cho thiết bị phát tín hiệu dưới nước trong hộp đen của chuyến bay MH370 đã “chết” hơn một năm trước khi chiếc máy bay mất tích bí ẩn.
Chiếc máy bay Boeing 777 chở theo 239 người này đã biến mất một cách bí ẩn sau khi chuyển hướng xuống Ấn Độ Dương và được cho là đã đâm xuống biển sâu sau khi hết nhiên liệu vào ngày 8/3/2014. Một năm sau đó, chiến dịch tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử hàng không thế giới với chi phí lên tới 120 triệu USD trên vùng biển nam Ấn Độ Dương xa xôi đã không đem lại bất cứ kết quả nào.
Thông thường, hộp đen máy bay sẽ bắt đầu phát tín hiệu “ping” sau khi máy bay rơi xuống biển, và pin bên trong hộp đen sẽ đủ cho nó phát tín hiệu suốt khoảng 1 tháng sau. Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm đa quốc gia với những thiết bị dò tín hiệu thủy âm tối tân nhất đã không hề phát hiện bất cứ một tín hiệu “ping” nào được xác định là của MH370.
Malaysia tuyên bố pin hộp đen MH370 đã "chết" khoảng 1 năm trước khi máy bay mất tích. Ảnh minh họa
Bí ẩn trên đã được giải đáp khi bản báo cáo tạm thời dày 584 trang của Malaysia cho biết pin trong hộp đen đã cạn kiệt từ lâu trước khi máy bay mất tích, điều đó đồng nghĩa với việc hộp đen máy bay không có năng lượng để phát tín hiệu “ping”.
Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng việc pin hộp đen bị “chết” đã khiến nỗ lực của đội tìm kiếm trở nên vô vọng, ngay cả khi họ đã ở rất gần xác chiếc máy bay dưới đáy biển.
Cục Hàng không Dân dụng Malaysia cho biết trách nhiệm trong việc để pin hộp đen bị “chết” thuộc về hãng hàng không Malaysia Airlines khi hãng này không cập nhật đầy đủ một hệ thống máy tính nên không phát hiện ra sai sót nghiêm trọng trên.
Các luật sư đại diện cho gia đình của 227 hành khách trên chiếc máy bay xấu số cho biết việc pin hộp đen bị “chết” có thể là một yếu tố then chốt trong vụ kiện của họ đối với hãng hàng không Malaysia Airlines đối với chiến dịch tìm kiếm vô vọng suốt 1 năm qua.
Thân nhân hành khách cùng nhau kỷ niệm 1 năm ngày MH370 mất tích
Hãng luật Mỹ Kreindler & Kreindler LP đại diện cho khoảng 20 gia đình tuyên bố yếu tố “pin chết” này có thể “rất quan trọng” trong việc xác định mức bồi thường nếu như nhà chức trách cho rằng nó đã làm ảnh hưởng đến chiến dịch tìm kiếm.
Kể từ hồi tháng Tư năm ngoái, hàng chục chuyên gia hàng không hàng đầu thế giới đã “vò đầu bứt tóc” tìm cách giải mã vì sao một trong những chiếc máy bay hiện đại nhất thế giới lại có thể đột ngột mất liên lạc và rồi đổi hướng khỏi hành trình bay, lao thẳng xuống Ấn Độ Dương như vậy.
Báo cáo của Malaysia cho biết không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ chiếc máy bay đã gặp trục trặc về máy móc, hệ thống điện, cơ khí hay hệ thống cung cấp dưỡng khí. Cơ trưởng và cơ phó trên MH370 cũng không hề có dấu hiệu căng thẳng trước khi lên chiếc máy bay xấu số.
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra rằng nhà chức trách hàng không dân sự và quân sự Malaysia đã bối rối đến cực điểm trong vài giờ sau khi MH370 đột ngột đổi hướng sang phía Tây khi đang bay qua Vịnh Thái Lan.
Báo cáo cho thấy phải mất hơn 5 giờ kể từ khi nhận được tín hiệu liên lạc cuối cùng từ chiếc máy bay, nhà chức trách Malaysia mới phát đi cảnh báo máy bay mất tích, và hơn 5 giờ đồng hồ sau đó, chiếc máy bay tìm kiếm cứu nạn đầu tiên mới bắt đầu cất cánh.
Cũng theo báo cáo trên, một số đài radar quân sự của Malaysia đã phát hiện dấu vết của MH370 từ vị trí liên lạc cuối cùng băng qua bán đảo Malaysia, hướng thẳng về eo biển Malacca rồi sau đó chuyển hướng xuống Ấn Độ Dương, nhưng trong đêm đó không ai nghĩ rằng tín hiệu lạ trên màn hình của họ là chiếc máy bay MH370 đang mất tích.
Những thiết bị tìm kiếm hiện đại nhất cũng không thể tìm ra dấu vết MH370
Suốt một năm qua, một số điều tra viên đã đặt ra giả thuyết rằng cơ trưởng MH370 là Zaharie Ahmad Shah hoặc cơ phó Fariq Abdul Hamid hay một người nào đó đã cố tình điều khiển chiếc máy bay lao xuống Ấn Độ Dương để tự sát.
Tuy nhiên báo cáo của Malaysia chỉ rõ rằng cơ trưởng Zaharie không hề có bảo hiểm nhân thọ, cả ông và cơ phó đều không có những dấu hiệu “cô lập xã hội”, nghiện rượu hay ma túy, hay bất cứ thay đổi nào về hành vi trước khi chuyến bay cất cánh.
Băng ghi hình do camera giám sát ghi lại tại cửa kiểm tra an ninh của sân bay không phát hiện bất cứ thay đổi bất thường nào trong các xử sự của cơ trưởng Zaharie và cơ phó Fariq so với những ngày trước đó.
Báo cáo nhấn mạnh: “Cơ trưởng có khả năng xử lý những căng thẳng công việc và gia đình rất tốt. Trước đây ông không hề có dấu hiệu lãnh đạm, lo lắng hay giận dữ. Ông không hề có những thay đổi lớn trong phong cách sống, xung đột cá nhân hay căng thẳng gia đình”.
Ngoài những thông tin trên, Malaysia cũng thừa nhận rằng đến nay họ không hề biết điều gì đã xảy ra đối với chiếc máy bay kể từ khi nó mất liên lạc, và họ “chưa tiến gần hơn một bước nào” tới giải pháp cho bí ẩn lớn nhất của lịch sử hàng không thế giới này.
Trí Dũng (Theo SMH)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.