Tại địa điểm khảo cố Aska, cách thủ đô Stockholm của Thụy Điển khoảng 36 km, các nhà khảo cổ đã khai quật được một sảnh tiệc lớn trong khu mộ cổ tập thể dạng gò đặc trưng của người Viking, nơi một gia đình hoàng gia được chôn cất qua nhiều thế hệ. Tại sảnh tiệc có thể được sử dụng cho những nghi thức tang lễ, họ tìm thấy vô số báu vật, trong đó đáng chú ý nhất là 22 miếng vàng lá có hình chạm khắc tinh xảo.
Nói trong bài báo vừa đăng tải trên Academia, giáo sư Martin Rundkvist từ Đại học Lodz (Ba Lan), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết những miếng vàng đã 1.300 năm tuổi, tức có thể được tạo ra từ trước khi xây dựng khu mộ cổ, sau đó mới được đặt xuống sảnh tiệc này. Bản thân khu mộ cổ được sử dụng bởi một gia đình hoàng gia Viking trị vì từ năm 793 sau Công Nguyên đến năm 1066 sau Công Nguyên.
Theo Live Science, một người thợ kim hoàn chuyên nghiệp tên Eddie Herlin đã được giao nhiệm vụ mở các miếng vàng lá bị gấp nát trong khu mộ cổ ra. Sau khi khôi phục nguyên trạng, họ nhận ra tất cả đều có hình những cặp đôi đang ôm nhau.
Ngoài 22 miếng lớn, họ còn phát hiện 52 mảnh vàng vụn nhỏ khác với tổng trọng lượng 0,75 gram. Tất cả chúng đều được xác định là phần còn lại của một vật tạo tác lớn hơn, cũng mang hình các cặp đôi ôm hôn. Một số lá bạc, vật dụng bằng ngà voi và nhiều đồ tạo tác giá trị khác cũng được thu thập từ khu mộ cổ.
Theo Acient Origins, nhóm nghiên cứu nghiêng về 3 giả thuyết: các cặp đôi trong hình đại diện cho các hoàng tử và công chúa mới kết hôn; hoặc họ là những nam thần và nữ thần, bởi các vị vua Viking vẫn tin rằng mình thuộc dòng dõi thần thánh; hoặc họ là 2 người khổng lồ thần thoại Freyr và Gerdr trong thần thoại Bắc Âu. Sự ôm hôn có thể không chỉ là biểu tượng tình yêu, mà còn nói lên sự ràng buộc về mặt tinh thần. Các miếng vàng lá này có thể được dán vào các cột đỡ mái nhà hay ngai vàng của nhà vua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.