Tôn Ngộ Không ăn trộm linh đơn, phá lò Bát Quái, vì sao Thái Thượng Lão Quân làm ngơ?

Thứ bảy, ngày 20/03/2021 08:31 AM (GMT+7)
Trong Tây Du Ký, Thái Thượng Lão quân biểu hiện là vị Thần vụng về, không có năng lực. Tự mình thả mất Ngộ Không, lại còn bị Ngộ Không ăn trộm tiên đan, đánh đổ mất lò Bát Quái, Thái Thượng Lão quân dường như đã mất hết thể diện và trở thành một Thần Tiên hết sức hồ đồ dưới con mắt Ngọc Hoàng...
Bình luận 0

Đại Thánh trốn khỏi lò Bát Quái, Hầu Vương giam dưới núi Ngũ Hành

Hồi thứ 7, truyện "Tây Du Ký" kể lại rằng, sau khi Thái Thượng Lão Quân dùng "Vòng Kim Cương" bắt Tề Thiên Đại Thánh về triền đình chịu tội, Tề Thiên Đại Thánh bị thiên binh áp giải đưa đến đài trảm yêu, trói chặt vào cột hàng yêu, đao chém, búa bổ, kiếm xỉa, giáo đâm, mà thân thể không hề xây xát.

Nam Đẩu tinh quân lệnh cho các thần ở bộ Hỏa, phóng lửa đốt cũng không cháy. Lại sai các thần ở bộ Lôi lấy roi sét đánh, cũng chẳng đứt một sợi lông. Đại Lực quỷ vương cùng mọi người tâu lên Ngọc Hoàng: "Muôn tâu thánh thượng, không biết Đại Thánh học được phép hộ thân ở đâu, mà bọn thần dùng dao chém, búa bổ, sét đánh, lửa thiêu, thân thể hắn cũng không mảy may thương tổn. Vậy làm thế nào bây giờ"?

Ngọc Hoàng nghe xong, nói: "Nó đã như vậy, các khanh xem nên xử trí thế nào"?

Thái Thượng Lão Quân thưa: "Con khỉ ấy ăn đào tiên, uống rượu ngự, xơi cả linh đơn. Năm vò rượu thuốc ngâm của thần cũng bị nó tu hết vào ruột. Nó lại luyện thân thể bằng thứ lửa tam muội nữa, nên người tựa một khối kim cương rắn chắc, không vật gì hại được. Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò Bát Quái, đốt nó bằng thứ lửa văn vũ mà thần thường dùng để luyện linh đơn, thì người nó nhất định sẽ biến thành tro bụi".

Tôn Ngộ Không ăn trộm linh đơn, phá lò Bát Quái, vì sao Thái Thượng Lão Quân vẫn khoanh tay? - Ảnh 1.

Thái Thượng Lão Quân tâu Ngọc Hoàng. (Ảnh: youtube.com)

Ngọc Hoàng nghe vậy, lập tức sai thần Lục đinh Lục giáp giải Đại Thánh đến cho Thái Thượng lão.

Thái Thượng Lão Quân về tới cung Đâu Suất, cởi dây trói rút móc xương, ném Đại Thánh vào trong lò Bát Quái, sai đạo nhân coi lò và tiểu đồng quạt lò châm lửa đốt. Nguyên lò này gồm tám cung của các quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Đại Thánh chui ngay vào nằm dưới cung Tốn. Tốn là gió, có gió thì không có lửa. Nhưng chỉ bị gió thổi khói vào nên đôi mắt đen bị đỏ tấy lên, thành ra mắc bệnh đau mắt. Vì vậy còn gọi Đại Thánh là "mắt lửa ngươi vàng".

Thời gian thấm thoắt, chẳng mấy chốc đã được bốn mươi chín ngày, đủ số ngày luyện. Một hôm, Thái Thượng Lão Quân mở lò lấy linh đơn. Đại Thánh khi ấy hai tay đang che mắt, nước mắt giàn giụa, bỗng nghe thấy trên miệng lò có tiếng động, bèn căng mắt nhìn, thấy có ánh sáng, tức thì co người nhảy vút ra ngoài, hét vang một tiếng, đạp đổ lò Bát Quát, rồi chạy vụt đi.

Tự mình thả mất Tôn Ngộ Không, lại còn bị đánh đổ mất lò Bát Quái, có thể nói là một việc khiến cho Thái Thượng Lão Quân mất hết thể diện. Ông trở thành một Thần Tiên hết sức hồ đồ dưới con mắt của Ngọc Hoàng.

"Chân nhân bất lộ tướng"

Ai đã từng xem qua "Phong Thần Diễn Nghĩa" đều biết công lực của Thái Thượng Lão Quân không hề thua kém Phật Tổ Như Lai. Thái Thượng Lão Quân chính là vị Thần đức cao vọng trọng trong Đạo giáo. Nếu ông muốn đối phó với Tôn Ngộ Không thì dễ như lấy đồ trong túi.

Vậy tại sao trong Tây Du Ký, Thái Thượng Lão Quân lại biểu hiện là một vị Thần vụng về, không có năng lực như vậy? Khi bị Tôn Ngộ Không ăn trộm tiên đan, sau đó còn đạp đổ cả lò Bát Quái mà ông cũng không làm gì được. Kỳ thực, đây chỉ là giả tướng bề ngoài để che đậy thân phận thật sự của mình mà thôi.

Sau này khi bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, tất cả các Thiên Thần nơi tiên giới đều tham dự. Có thể nói, đây là việc to lớn chấn động toàn vũ trụ. Nếu như không có tiên đơn và lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân tôi luyện, Tôn Ngộ Không trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh, có lẽ sớm đã bị yêu quái đánh bại.

Tôn Ngộ Không ăn trộm linh đơn, phá lò Bát Quái, vì sao Thái Thượng Lão Quân vẫn khoanh tay? - Ảnh 2.

Khi bị Tôn Ngộ Không ăn trộm tiên đan, sau đó còn đạp đổ cả lò Bát Quái mà ông cũng không làm gì ? (Ảnh: youtube.com)

Chân tướng ở đây chính là: Thái Thượng Lão Quân chính là sư phụ không cầu danh của Đại Thánh, truyền thụ tiên đan, lại tôi luyện thân kim cương bất hoại!

Các bậc Thánh nhân trong Phật gia cũng vậy, hay Đạo gia cũng thế, làm việc đều không cầu danh, cầu lợi, tất cả đều là làm những việc nên làm trong tầng thứ của mình. Nói thẳng ra, sự thành bại của thầy trò Đường Tăng khi thỉnh kinh là việc ảnh hưởng tới tất cả các sinh mệnh trong vũ trụ. Giúp một phần sức lực để đảm bảo sự thành công của thầy trò Đường Tăng cũng là nghĩa vụ của mỗi bậc thần tiên.

Lời bàn:

Có câu: "Chân nhân bất lộ tướng". Người có năng lực tài giỏi thường ẩn mình trong vẻ bề ngoài vụng về, khờ khạo. Trong Tây Du Ký, Thái Thượng Lão Quân đã diễn rất tốt vai trò một vị Thần tiên vụng về, góp phần quan trọng giúp thầy trò Tôn Ngộ Không thành tựu Phật quả.

Trên đường lấy kinh vất vả, đầy cạm bẫy chông gai sau này, nếu không có con "mắt lửa ngươi vàng", không có thân thể kim cương nước lửa không phạm được nhờ tôi luyện trong lò Bát Quái thì hẳn là bản lĩnh hàng yêu phục quái của Ngộ Không đã giảm đi mấy phần.

Tôn Ngộ Không bị nhốt vào lò lửa 49 ngày đêm, thoạt đầu tưởng là nạn lớn nhưng sau mới hay là phúc phận vậy. Ngẫm kỹ ra, trong đời người nếu muốn đạt được thành tựu nào đó ắt là cũng phải kinh qua khổ nạn, thử thách, phải trải qua tôi luyện trong lò lửa thực sự.

Tôn Ngộ Không ăn trộm linh đơn, phá lò Bát Quái, vì sao Thái Thượng Lão Quân vẫn khoanh tay? - Ảnh 3.

Trong Tây Du Ký, Thái Thượng Lão Quân đã diễn rất tốt vai trò một vị Thần tiên vụng về góp phần quan trọng giúp thầy trò Tôn Ngộ Không thành tựu Phật quả.. (Ảnh: tinhhoa.net)

Chim đại bàng đến năm 40 tuổi, móng vuốt đã hỏng, mỏ cũng gãy cùn, thì phải trải qua 150 ngày "lột da" đầy đau đớn. Nó bay lên một mỏm đá cao, gõ mỏ vào đá để mỏ cũ gãy hết. Khi mỏ mới mọc ra, đại bàng lại dùng mỏ bẻ gãy hết móng vuốt. Cuối cùng, nó dùng mỏ và móng vuốt ấy lột hết bộ lông cũ của mình. Sau hơn 5 tháng khổ nạn ấy, đại bàng lại hồi xuân, trở về làm chủ bầu trời.

Lại cũng giống như câu chuyện chim phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn lạnh lẽo. Người ta kể rằng, phượng hoàng là loài chim quý có thể sống đến cả nghìn năm. Khi chuẩn bị từ giã cuộc đời, phượng hoàng xây một cái tổ từ những cọng quế rồi tự bốc cháy. Cả tổ và chim đều cháy dữ dội. Sau đó, ngay từ trong đống tro tàn ấy, một con phượng hoàng mới ra đời, cũng đẹp và sống lâu như con phượng hoàng cũ.

Vậy đấy, trong đời này, chỉ khi trải qua hết thảy khổ nạn, bước qua núi đao biển lửa, bể khổ tưởng chừng vô bờ, bạn mới có thể đắc được những điều quý giá nhất, phải không?

Minh Vũ – Văn Nhược (Theo DKNTV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem